Ký kết đầu tư tại cụm công nghiệp Sông Cầu, thúc đẩy kinh tế miền núi
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa phối hợp Công ty Yến sào Khánh Hòa tổ chức "Hội nghị xúc tiến đầu tư Cụm Công nghiệp Sông Cầu" tại huyện Khánh Vĩnh, qua đó ký kết được 5 nhà đầu tư thứ cấp
Theo đó, cuối năm 2015, Công ty Yến sào Khánh Hòa được tỉnh Khánh Hòa giao làm chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp (CCN) Sông Cầu tại xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh nhằm phát triển kinh tế miền núi, tạo công ăn việc làm cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Vị trí thuận lợi
CCN Sông Cầu có vị trí thuận lợi nằm trên Quốc lộ 27C nối Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) trục xương sống nối 2 trung tâm du lịch của cả nước. CCN Sông Cầu cách thị trấn Khánh Vĩnh khoảng 3,5km, cách thành phố Nha Trang khoảng 28km.
CCN Sông Cầu có quy mô toàn dự án 40,36 ha, trong đó theo thiết kế dự án, các nhà máy, xí nghiệp sẽ được xây dựng trên phần diện tích gần 28 ha, được chia thành 27 lô cùng với nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm như: cửa hàng xăng dầu, tổng kho, khu xử lý nước thải tập trung, nhà ăn, hội trường, văn phòng điều hành.
CCN Sông Cầu có vị trí thuận lợi nằm trên Quốc lộ 27C nối Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng)
Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó tổng giám đốc Công ty Yến Sào Khánh Hòa, giới thiệu về thế mạnh của Cụm công nghiệp Sông Cầu
Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó tổng giám đốc Công ty Yến Sào Khánh Hòa, cho biết CCN Sông Cầu được thiết kế dành riêng cho các ngành công nghiệp như: chế biến thực phẩm, nông lâm sản, may mặc, sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, công nghiệp cơ khí chế tạo. Hiện nay, giá thuê đất CCN Sông Cầu có giá bình quân từ 9 - 11 tỉ đồng/ha, chi phí này là phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, chủ đầu tư CCN Sông Cầu luôn tạo điều kiện để chủ đầu tư quản lý doanh nghiệp từ xa.
Ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa, đại diện chủ đầu tư ký kết hợp tác với nhà đầu tư thứ cấp để xây dựng các nhà máy, xí nghiệp tại CCN Sông Cầu
Ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa, chủ đầu tư CCN Sông Cầu, cho biết Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đưa ra một số chính sách nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, như: giảm giá thuê đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê hạ tầng với diện tích từ 2-5 ha; thanh toán tiền thuê đất gắn với cơ sở hạ tầng theo tiến độ 18 tháng chia thành 5 lần và miễn phí quản lý điều hành và bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật trong vòng 2 năm; thời gian sử dụng đất của dự án là 50 năm kể từ thời điểm được Nhà nước cho thuê đất...
Ngay tại "Hội nghị xúc tiến đầu tư Cụm Công nghiệp Sông Cầu", Công ty Yến Sào Khánh Hòa đã ký kết với 5 nhà đầu tư thứ cấp để cho thuê 18,2ha đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp.
Trong ngày 28-10, Công ty Yến sào Khánh Hòa cũng tiến hành khởi công 2 công trình là Nhà ăn tập thể của Cụm CN Sông Cầu (có tổng mức hơn 9 tỉ đồng) và Nhà máy chế biến nguyên liệu Yến sào của Công ty CP NGK Yến sào Khánh Hòa với diện tích là 25.866 m2 m2 với tổng mức đầu tư của nhà máy là 70 tỉ đồng.
Giải quyết việc làm, an sinh xã hội
Ông Tạ Hồng Quang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết CCN Sông Cầu đi vào hoạt động và thu hút nhiều nhà đầu tư là cơ hội cho sinh viên, lao động địa phương tiếp cận cơ hội việc làm, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế địa phương.
"Hội nghị xúc tiến đầu tư Cụm Công nghiệp Sông Cầu đã có 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong lĩnh vực chế biến, dịch vụ, công nghiệp với nhu cầu khoảng 1.000 lao động. Bên cạnh đó, có 5 doanh nghiệp xuất khẩu lao động với nhu cầu 350 lao động. Những phiên giao dịch, lao động việc làm như vậy sẽ tạo cơ hội cho người lao động lựa chọn, tìm kiếm việc làm phù hợp, góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh"- ông Quang cho biết.
Các sinh viên, thanh niên huyện Khánh Vĩnh tham gia ngày hội tuyển dụng tại CCN Sông Cầu
Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, đánh giá CCN Sông Cầu hoàn thành, triển khai thu hút đầu tư là một sự kiện quan trọng của huyện miền núi còn nghèo như Khánh Vĩnh. Huyện đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số với kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, trồng rừng. "Lần đầu tiên trong lịch sử huyện Khánh Vĩnh có một CCN lớn như vậy. Chúng tôi rất mừng vì người dân địa phương có cơ hội có công ăn việc làm, trau dồi kiến thức, kỹ thuật, hậu cần phục vụ… để phát triển kinh tế - xã hội" - ông Hường nói.