A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không đẩy mạnh IR, doanh nghiệp khó tiếp cận nhà đầu tư

“Khi doanh nghiệp dành thời gian và nguồn lực để thực hiện tốt hoạt động IR, sẽ góp phần hỗ trợ việc huy động vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh cũng thuận lợi hơn trước, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào vay nợ”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Thanh - Giám đốc Tư vấn thị trường vốn - Khối Ngân hàng Đầu tư CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HOSE: ORS) về tầm quan trọng hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (IR) của doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Thanh

Theo ông Thanh, tại Việt Nam, với gần 1,000 doanh nghiệp đang niêm yết trên hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX), nhà đầu tư có rất nhiều lựa chọn. Do đó, nếu không đẩy mạnh IR, doanh nghiệp có thể khó tiếp cận nhà đầu tư.

Mặt khác, đa số công ty nghĩ IR đơn thuần là tải báo cáo tài chính lên website mà ít quan tâm các công tác làm rõ hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty. Do đó, hiệu quả tiếp cận thông tin từ các nhà đầu tư và cổ đông chưa tốt. Chính vì điều này, các doanh nghiệp bị giảm tỷ lệ tiếp cận, nhất là nhà đầu tư tổ chức - vốn có tiềm lực tài chính dồi dào và có khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp dài lâu.

“Khi doanh nghiệp dành thời gian và nguồn lực để thực hiện tốt hoạt động IR, sẽ góp phần hỗ trợ việc huy động vốn để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh cũng thuận lợi hơn trước, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào vay nợ” - ông Thanh nói thêm.

Vì vậy, ngay khi tiếp cận, xây dựng chiến lược huy động vốn ban đầu cho các khách hàng doanh nghiệp, TPS luôn tập trung tư vấn, hỗ trợ xây dựng hoạt động IR cho khách hàng một cách bài bản, minh bạch, nhằm tạo tiền đề vững chắc, đảm bảo khả năng thành công của các thương vụ IB.

Thị trường IB nhiều tiềm năng

Theo ông Nguyễn Trọng Thanh, thị trường ngân hàng đầu tư (IB) ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiềm năng, hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế và xu hướng đầu tư.

Cụ thể, kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5.5% vào năm 2024 và 6.0% vào năm 2025. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư và phát triển thị trường IB.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, lực lượng lao động trẻ và tay nghề tốt, cùng môi trường kinh doanh thuận lợi.

Về công tác huy động vốn, các ngân hàng đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp, thông qua các hoạt động như phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm tài chính khác.

Một yếu tố khác cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm thời gian qua là câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán. Theo ước tính, việc nâng hạng có thể mang lại lượng lớn vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam, nếu được cả FTSE Russel và MSCI nâng hạng. Đồng thời, xem xét giải quyết các vấn đề bao gồm cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn của khối ngoại, tiếp tục chào bán cổ phần lớn bao gồm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn.

Việc được nâng hạng đánh dấu mốc chuyển mình của thị trường Việt Nam và thể hiện rõ cam kết của Chính phủ trong việc phát triển thị trường.

“Chúng tôi cho rằng, điều này sẽ có tác động rất lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư, bao gồm cả trong nước và nước ngoài; khai thông nguồn vốn đầu tư và giúp thị trường vốn thể hiện rõ nét hơn vai trò của kênh dẫn vốn huy động hữu hiệu cho nền kinh tế, giảm bớt áp lực từ ngân hàng. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường IB, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động tư vấn phát hành, thu xếp vốn, M&A nhằm đón đầu nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn nêu trên” - ông Thanh cho biết.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thị trường IB ở Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức như sự biến động của kinh tế toàn cầu và các quy định pháp lý. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế, thị trường này có thể tiếp tục phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần thúc đẩy ESG thông qua 5 khía cạnh

Mục tiêu của ESG là đảm bảo các hoạt động kinh doanh không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn hướng đến bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị minh bạch, hiệu quả. Điểm số ESG càng cao càng chứng minh doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ đối với các thực hành bền vững và có trách nhiệm.

Hiện nay, các nhà đầu tư có xu hướng cân nhắc nhiều hơn về các yếu tố phi tài chính trước khi đầu tư vào một doanh nghiệp. Chính vì vậy, theo ông Thanh, vai trò của chiến lược ESG cũng ngày càng được đề cao, giúp doanh nghiệp đạt được thành công lâu dài và bền vững.

Để hoàn thiện sớm các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), các doanh nghiệp nên tập trung vào những khía cạnh sau:

Đưa ESG vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp: Để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cần cân nhắc về việc đưa ESG vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. Phát triển một bản tường thuật ESG rõ ràng, phù hợp với sứ mệnh của doanh nghiệp.

Thể hiện các biện pháp thực hành môi trường mạnh mẽ: Doanh nghiệp như hoạt động sản xuất dùng nhiều năng lượng. Doanh nghiệp có kế hoạch tối ưu hóa, tiết kiệm được 20-30% năng lượng đầu vào sẽ vừa giảm được chi phí vừa giảm phát thải trong bối cảnh Việt Nam là nước có tỷ lệ phát thải cao.

Ưu tiên tác động xã hội: Các nhà đầu tư thường bị thu hút bởi các công ty có tác động tích cực đến xã hội và ưu tiên trách nhiệm xã hội. Tập trung vào việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực thúc đẩy sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập.

Nhấn mạnh vào quản trị tốt: Các nhà đầu tư rất coi trọng việc thực hành quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Thiết lập cơ cấu quản trị minh bạch và có trách nhiệm trong quá trình kinh doanh. Điều này có thể bao gồm việc áp dụng các quy tắc ứng xử có đạo đức, đảm bảo tính độc lập của HĐQT và việc thực hiện các khuôn khổ quản lý rủi ro hiệu quả.

Thực hiện các báo cáo và minh bạch ESG: Để thu hút các nhà đầu tư quan tâm, điều quan trọng là phải truyền đạt được những nỗ lực ESG của doanh nghiệp một cách minh bạch. Triển khai khung báo cáo ESG toàn diện, phù hợp với các tiêu chuẩn được công nhận như Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI) hoặc Ủy ban tiêu chuẩn kế toán bền vững (SASB). Thường xuyên báo cáo về hiệu suất, mục tiêu và thành tích ESG của doanh nghiệp. Giúp các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin này, thể hiện cam kết của doanh nghiệp về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nguồn vốn là yếu tố cạnh tranh lớn

TPS tiếp tục củng cố vị thế Top 2 ở mảng trái phiếu, đồng thời mở rộng các mảng nghiệp vụ đang có tiềm lực khai thác lớn như tư vấn niêm yết, tư vấn tái cấu trúc tài chính (thoái vốn, thu xếp vốn, sáp nhập), tư vấn mua bán nợ, các nghiệp vụ bảo lãnh phát hành…

Về lợi thế cạnh tranh của mình, TPS đã xây dựng được lợi thế và khẳng định được năng lực tư vấn nên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh ở mảng tư vấn phát hành chứng khoán vốn, chứng khoán nợ trong thời gian tới. TPS luôn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn tổ chức phát hành có tên tuổi, uy tín và có năng lực thực sự để tư vấn và phân phối đến các nhà đầu tư.

TPS xác định vốn là yếu tố cạnh tranh lớn, tức muốn tham gia làm IB thì công ty chứng khoán phải đảm bảo nguồn vốn lớn. Theo đó, trong năm 2024, TPS đã tăng vốn điều lệ lên 3,359 tỷ đồng và tiếp tục có kế hoạch tăng thêm vốn trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, một yếu tố lợi thế cạnh tranh lớn khác của TPS là sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ với TPBank. Sự hợp tác này tạo điều kiện giúp TPS triển khai đa dạng các cấu trúc thu xếp vốn trong các thương vụ IB.

Về định hướng, TPS tiếp tục xác định IB là một trong những trụ cột kinh doanh. TPS đánh giá đây là hoạt động cốt lõi của các nghiệp vụ chứng khoán, trực tiếp đóng góp tỷ trọng đáng kể trong kế hoạch lợi nhuận của TPS. Phát triển mảng IB sẽ thúc đẩy phát triển các mảng nghiệp vụ liên quan, ví dụ như góp phần tăng thêm khách hàng cho mảng môi giới, gián tiếp thúc đẩy hoạt động margin, tạo cơ hội cho mảng tự doanh...

Trong 5 năm tới, dịch vụ IB của TPS sẽ chuyển dịch dần theo hướng đa dạng hóa, tăng cường các sản phẩm thu xếp vốn, tư vấn phát hành chứng khoán vốn, tư vấn M&A. Bên cạnh đó, TPS tiếp tục phát huy thế mạnh, lợi thế dẫn đầu trong mảng thu xếp, tư vấn phát hành chứng khoán nợ.

IB là một trong những trụ cột kinh doanh tại TPS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết