A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối chuỗi cung ứng TP HCM và ĐBSCL

TP HCM xác định sự phát triển của thành phố luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác, trong đó có vùng ĐBSCL

Diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP HCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững" đã khai mạc vào ngày 15-11. Sự kiện do Sở Công Thương TP HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ thực hiện.

Hướng đến chuỗi cung ứng xanh

Phát biểu tại buổi khai mạc diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. 

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội cùng 4 mục tiêu cụ thể: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. 

Để đạt được các mục tiêu trên, TP HCM đã và đang có nhiều nỗ lực trong thực hiện chiến lược này. TP HCM luôn xác định sự phát triển của thành phố luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác, trong đó có vùng ĐBSCL, nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các bên. 

"Trong đó, xây dựng chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng bền vững từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến, sản xuất... đến tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP HCM và các tỉnh, thành. Việc TP HCM đăng cai tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2023 cũng là một nội dung cụ thể của Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Kết nối chuỗi cung ứng TP HCM và ĐBSCL - Ảnh 1.

Lá dứa trở thành nguyên liệu của ngành thời trang xanh được trưng bày trong khuôn khổ Mekong Connect 2023 .Ảnh: AN NA

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá Mekong Connect 2023 sẽ kết nối được sức mạnh khoa học công nghệ, tri thức từ TP HCM hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL làm tốt hơn việc phát triển bền vững của mình. Bên cạnh đó cũng giúp cho việc nâng cấp các sản phẩm ĐBSCL theo hướng xanh hơn, đạt chuẩn xuất khẩu, từ đó gia tăng giá trị sản phẩm, tạo dựng niềm tin và mở rộng thị trường, tăng thu nhập người dân nông thôn. 

"Tôi hy vọng diễn đàn sẽ có sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu… để có thể kết hợp khảo sát và nghiên cứu các đề tài ứng dụng vào thực tế nhiều hơn. Từ đó, giúp các bạn trẻ ở các vùng nông thôn ĐBSCL tiếp cận công nghệ, tạo ra sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa" - chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia kinh tế (Đại học Kinh tế TP HCM), cho rằng kết nối, liên kết vùng là tất yếu trong sự phát triển mà TP HCM là trung tâm của Đông Nam Bộ và ĐBSCL. "TP HCM có lợi thế về chế biến sâu, chế biến các sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao từ thực phẩm đến dược liệu mà nguồn nguyên liệu từ ĐBSCL. Sự liên kết tạo nên sức mạnh của TP HCM, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài" - ông Nghĩa nhận định.

Đầu ra quyết định thành công liên kết

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Nghiên cứu sản xuất và Phát triển sợi Eco (Ecosoi), hiện Việt Nam có hơn 47.000 ha trồng dứa, trong đó hơn 65% diện tích tập trung ở tại ĐBSCL. "Nông dân đa số chỉ thu hoạch quả, lá dứa bỏ đi, đốt, thậm chí xịt thuốc cỏ cháy gây ô nhiễm môi trường. 

Hiện công ty tôi đã có công nghệ biến lá dứa thành sợi vải thân thiện với môi trường có thể giúp nông dân tăng thu nhập từ 30-60 triệu đồng/ha. Sản phẩm được cung cấp cho ngành may mặc không chỉ trong và ngoài nước khi xu hướng xanh hóa, giảm sợi hóa học ngày càng phát triển" - ông Hạnh chia sẻ.

Nói về khó khăn khi phát triển kinh tế xanh, ông Hạnh cho biết do mô hình mới nên nông dân còn nhiều bỡ ngỡ trong việc đầu tư ban đầu. Bản thân DN quy mô còn nhỏ cần được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền người dân cũng như các chính sách hỗ trợ vốn, đất đai để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Tại tọa đàm "Thúc đẩy bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến cho cộng đồng doanh nông trẻ và các chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)" trong khuôn khổ Mekong Connect 2023, anh Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap, nhấn mạnh đầu ra quyết định sự thành công của các liên kết trong nông nghiệp. 

Theo anh, liên kết là cách tốt nhất DN có thể hỗ trợ nông dân ở các vùng nguyên liệu. Ngoài ra, Foodmap còn thành lập một số công ty con cung cấp vật tư đầu vào cho nông dân đáp ứng nhu cầu thị trường - thông thường những nông dân bỏ tiền ra sử dụng giải pháp thì mới bền vững.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay đơn vị đang phối hợp nền tảng TikTok triển khai livestream xuyên biên giới bán đặc sản OCOP nhắm đến thị trường Trung Quốc và ASEAN. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...