Giá xăng dầu tăng mạnh, nhiều nhà xe điêu đứng: “Dịch đã khó rồi mà xăng còn tăng cao nữa, phải bán nhà để gồng thôi”
Dịch bệnh làm điêu đứng nửa năm, bây giờ xăng dầu lại tăng không có điểm dừng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách khó chồng khó. Một số chủ doanh nghiệp phải bán nhà để gánh lỗ vì xăng dầu tăng trong thời điểm dịch bệnh.
Bán nhà để cầm cự khi giá xăng dầu tăng trong thời điểm dịch bệnh
Những ngày qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách ở bến xe Miền Đông như ngồi trên đống lửa khi theo dõi tình hình giá xăng dầu trong nước. Họ đã gặp khó vì dịch bệnh trong thời gian dài và hiện tại lại cảm thấy đau đầu hơn vì giá xăng dầu liên tục biến động theo chiều hướng tăng.
"Mỗi lần đọc báo, nghe đài thấy ngày mai xăng dầu tăng kỷ lục, tăng thêm vài nghìn đồng/lít hay tăng phi mã,… khiến tôi toát mồ hôi vì không biết duy trì hoạt động ra sao", anh Toản (một nhà xe tuyến về miền Trung) chia sẻ.
Theo anh Toản, số lượng khách đi lại sau dịch không như các năm trước nữa, chỉ khoảng 40-50% so với các năm. Được ít ngày lễ Tết có khách nhưng cũng chỉ đủ để trang trải lương cho nhân viên, bảo trì xe,… chứ không có lời.
Khi các doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động trở lại sau dịch có tăng giá cước nhưng không quá cao và ở mức cho phép theo quy định để duy trì. Tuy nhiên hiện tại giá xăng dầu tăng nhưng các doanh nghiệp không dám tăng giá cước bởi khách đã giảm nhiều mà còn tăng giá nữa thì "ai mà đi nữa".
Anh Nam (quản lý nhà xe Quang Hạnh, tuyến TP.HCM – Khánh Hoà) ngồi thở dài vì gần giờ xuất bến nhưng chỉ có vài khách đi xe và hàng hoá ký gửi cũng quá ít ỏi. Chia sẻ về tình hình kinh doanh trong thời điểm xăng dầu liên tục tăng, anh Nam cho biết nhà xe nào cũng lỗ là điều chắc chắn.
"Từ Tết giờ đã chịu lỗ rồi, xăng dầu tăng thì càng lỗ nặng hơn. Hiện tại các nhà xe ở đây đã bán nhà để cầm cự, duy trì cho qua giai đoạn khó khăn chứ biết làm sao. Từ hồi Tết giờ giá có tăng nhẹ sau dịch nhưng từ khi giá nhiên liệu tăng nhưng giá cước hàng hoá và giá vé vẫn giữ nguyên. Xăng dầu tăng nhưng lượng khách ít lắm, mỗi chuyến khoảng 10 người Chuyến nào được 50% khách là mừng lắm rồi", anh Nam chia sẻ.
Do là doanh nghiệp hoạt động đã lâu và có uy tín trên thị trường kinh doanh vận tải hành khách nên nhà xe của anh Nam vẫn cố gắng duy trì đều đặn 5 chuyến xe ra và 5 chuyến xe vô mỗi ngày dù giá nhiên liệu tăng cao.
"Lỗ thì chịu thôi, nếu mình tăng giá thì khách sẽ chọn xe khác"
Còn tại tại khu vực các nhà xe có cự ly tuyến ngắn là TP.HCM – Vũng Tàu, TP.HCM – Bình Phước, TP.HCM – Tây Ninh,… các tài xế cũng mòn mỏi đợi khách mua vé ra xe.
Các tài xế cho biết, hiện giờ để kiếm khách rất khó bởi tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến việc di chuyển giữa các địa phương, khách ngại đi xe khách.
"Thời điểm này mỗi chuyến xe xuất bến chỉ có vài hành khách như này thế này thôi, có hôm 1-2 khách, có hôm 5-7 khách, doanh nghiệp ráng cầm cự để duy trì công ăn việc làm cho nhân viên", Tài xế Sơn (hãng xe Kumho đi Vũng Tàu) chia sẻ.
Chia sẻ thêm về tình hình khách đi lại giữa thời điểm giá nhiên liệu liên tục tăng cao, tài xế Sơn cho hay: "Tình hình dịch bệnh thế này nhưng giá nhiên liệu lại tăng cao khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó. Lượng khách phải hơn 50% mới duy trì đủ số chuyến nếu không phải giảm. Mặc dù xăng dầu tăng giá nhưng nhà xe không tăng giá vé hành khách và cước hàng hoá".
Trong khí đó ông Mai Xuân Thuyền (một nhà xe thuộc hợp tác xã Thắng Lợi, tuyến TP.HCM – Vũng Tàu) lại chấp nhận "lời ăn lỗ chịu" trong tình cảnh giá xăng tăng.
"Do đây là xe cá thể của hợp tác xã nên lời thì ăn còn lỗ mình phải chịu thôi chứ ai hỗ trợ cho mình. Bây giờ giá nhiên liệu tăng nhưng lại không có khách và giá vé chưa thể tăng được nhưng vẫn cố gắng duy trì chạy được ngày nào hay ngày đó. Nói chung cũng kiếm được 200.000 – 300.000 đồng mỗi chuyến xe, đủ sống qua ngày. Nếu không hoạt động thì xe để nằm yên ở nhà cũng hư hỏng", ông Thuyền chia sẻ.
Theo ông Thuyền, lý do hiện nay dù giá nhiên liệu tăng nhưng các nhà xe không tăng giá cước là muốn giữ khách hàng vì ngành nghề nào cũng gặp bị ảnh hưởng bởi giá xăng tăng và dịch bệnh.
"Bây giờ giữ nguyên giá nhưng nhận hàng nhiều để lấy số lượng theo kiểu ‘bỏ công làm lời’ vì không phải chỉ riêng xe của mình. Nếu mình tăng giá thì khách hàng sẽ chọn xe khác thì lúc đó mình lại mất nhiều hơn. Tôi chỉ mong xăng dầu hạ bớt hoặc bình ổn giá lại vì người dân hiện giờ ai cũng gặp khó khăn", ông Thuyền bày tỏ.