Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chuyển trạng thái tăng tốc, dẫn dắt hành lang phát triển mới
Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh chính thức vận hành chính quyền hai cấp, ngành du lịch thành phố đang chuyển hướng từ giai đoạn phục hồi sang tăng tốc phát triển. Cùng với đó, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành chủ động tái định vị sản phẩm, mở rộng hành lang địa lý nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển bền vững, lấy người dân và du khách làm trung tâm.
*Đa dạng hóa sản phẩm theo vùng địa lý mới
Theo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, công tác quản lý Nhà nước về thẩm định, cấp phép hoạt động du lịch đang được triển khai nhằm mở rộng biên độ hút khách trong bối cảnh mới. Trên địa bàn hiện có 3.146 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 134 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao; tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ là 9.237 người (gồm 5.789 hướng dẫn viên quốc tế, 3.372 hướng dẫn viên nội địa và 76 hướng dẫn viên tại điểm). Ngoài ra, có 1.709 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động lữ hành, trong đó 1.223 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 391 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 76 đại lý lữ hành và 19 văn phòng đại diện nước ngoài.
Tính trong 6 tháng đầu năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đón trên 3,85 triệu lượt khách quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 45,4% kế hoạch cả năm. Khách du lịch nội địa đạt trên 18,3 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 40,7% kế hoạch năm 2025. Tổng thu từ du lịch trên địa bàn đạt 117.937 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 45,4% mục tiêu năm.
Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin, đến thời điểm hiện tại, Thành phố không chỉ là điểm đến nổi bật với các loại hình du lịch đô thị, MICE, văn hóa - ẩm thực, mà còn sở hữu tiềm năng phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch tâm linh (tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), cũng như du lịch công nghiệp, làng nghề, sinh thái (khu vực Bình Dương cũ). Những lợi thế này đang góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của thành phố, mở ra cơ hội xây dựng các tour tuyến liên kết theo chủ đề trải nghiệm đặc sắc vùng Đông Nam Bộ.
"Với bối cảnh mới, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là kiện toàn bộ máy tổ chức, tích hợp hệ thống dữ liệu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và du khách. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới, hướng đến tái định vị thương hiệu du lịch thành phố", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia nhận định, Thành phố hiện có lợi thế về mở rộng điểm đến cũng như điều kiện hạ tầng thuận lợi. Đơn cử, khi sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, thời gian vận chuyển khách sẽ được rút ngắn, giúp du khách quốc tế tiếp cận trực tiếp các khu nghỉ dưỡng ven biển, điểm đến sinh thái mà không cần qua trung tâm thành phố. Các tuyến cao tốc chiến lược như Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành… sẽ tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành mở rộng tour tuyến, xây dựng sản phẩm mới phục vụ du khách trong và ngoài nước.
*Dẫn đầu thị trường quốc tế, kích hoạt chuỗi trải nghiệm đặc sắc mùa hè
Theo báo cáo phân tích của nền tảng du lịch Agoda, Thành phố Hồ Chí Minh là lựa chọn hàng đầu của du khách Trung Quốc và nằm trong nhóm 5 điểm đến ưa thích nhất của khách Hàn Quốc. Sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, cùng lợi thế đô thị lớn đã giúp thành phố giữ vững vị trí trên bản đồ du lịch quốc tế.
Báo cáo khảo sát thị trường mới đây của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, du lịch toàn cầu đang tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ khi nhu cầu đi lại của người dân trên khắp thế giới ngày càng gia tăng. Ngành du lịch Việt Nam cũng ghi nhận mức phục hồi tích cực, được đánh giá là kết quả cộng hưởng của nhiều yếu tố như chính sách nới lỏng thị thực, chiến lược tiếp thị hiệu quả từ chính quyền địa phương và sự chủ động của doanh nghiệp. Du khách quốc tế đang quay trở lại các điểm đến quen thuộc tại Việt Nam nhờ hạ tầng, cơ sở lưu trú và mạng lưới chuyến bay thẳng ngày càng được hoàn thiện. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, phản ánh khả năng cạnh tranh ngày càng cao của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho biết, doanh nghiệp đã sớm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ngay từ đầu quý III/2025 nhằm khai thác thị trường mới. Trong thời gian tới, Vietluxtour sẽ ra mắt bộ sản phẩm du lịch Việt Nam mới, vừa mang tính đặc sắc về tuyến điểm, phản ánh dấu ấn văn hóa - lịch sử trong kỷ nguyên phát triển mới. Doanh nghiệp kỳ vọng với sự thích ứng nhanh trước các thay đổi về chính quyền hai cấp, địa lý hành chính và định hướng thị trường, sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu và lượng khách trong 2 quý cuối năm 2025 khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức khởi động chuỗi hoạt động kích cầu và giới thiệu sản phẩm du lịch mới, thể hiện rõ định hướng phát triển gắn với văn hóa bản địa và ứng dụng công nghệ sáng tạo. Trong đó, du khách đến Thành phố sẽ được trải nghiệm chuỗi tour ẩm thực hè "Find your flavor - Hành trình khám phá bản sắc ẩm thực Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh", chương trình nghệ thuật đa giác quan "Tinh hoa tỏa sáng" nhằm tôn vinh 50 năm văn hóa của Thành phố.
Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố hội tụ nhiều tầng lớp trải nghiệm - từ đô thị thông minh, công nghiệp đến văn hóa - tâm linh, biển đảo và sinh thái. Với tiềm năng dồi dào, Thành phố có nhiều cơ hội phát triển sản phẩm du lịch mới, các tour ngắn ngày gắn với hệ thống giao thông và hạ tầng hiện đại.
Tiến sĩ Dương Đức Minh cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng mô hình tuyến du lịch ba tầng liên kết, gồm: Tầng văn hóa - di sản; tầng sáng tạo- công nghiệp văn hóa; và tầng sinh thái - nghỉ dưỡng biển đảo. Thành phố cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đại đô thị trên thế giới, không đi theo lối mòn "điểm - tuyến - tour" khép kín mà hướng đến mô hình tích hợp mở, trong đó các khu vực không cạnh tranh mà hỗ trợ, cộng hưởng để cùng phát triển.../.
Mỹ Phương