A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu dần nhộn nhịp về cuối năm

Sau một năm chứng kiến nhiều biến động của thị trường chứng khoán, việc huy động vốn từ cổ đông hiện hữu đã thưa thớt. Song nếu nửa đầu năm nay chỉ có một vài doanh nghiệp trên sàn phát hành cổ phiếu ra công chúng thành công thì nửa sau 2023, hoạt động này trở nên nhộn nhịp hơn.

Thống kê từ VietstockFinance, có 36 trên 1,503 doanh nghiệp trên sàn HOSE, HNX, UPCoM tại cuối quý 2/2023 có vốn điều lệ tăng so với cuối quý trước. Tổng số vốn tăng thêm hơn 5,863 tỷ đồng.

So với các phương thức tăng vốn với tỷ lệ thành công cao như phát hành ESOP (FPT, RAL), tăng từ nguồn vốn chủ sở hữu (DHD), chia cổ tức bằng cổ phiếu (REE, TCD, HDC, FRT, TDP, FIR, TEG, DTG, HTG, CSC, IDV, HDM, APF,THG, C69, DC2, HHV) hay chào bán riêng lẻ như (VTZ, DXP, PMW) hoặc kết hợp nhiều hình thức như TNH hay C47, thì số doanh nghiệp chào bán ra công chúng chỉ có 3 đơn vị.

Hầu hết các đợt huy động vốn từ phát hành cổ phiếu ra công chúng được ĐHĐCĐ năm 2022 của doanh nghiệp thông qua, nhưng đến năm 2023 mới tiến hành.

Đơn cử như Tập đoàn CIENCO4 (C4G), vào tháng 05/2023, chào bán thành công gần 112.4 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp, thu về gần 1,124 tỷ đồng. Trong đó, hơn 15.7 triệu cp, tương đương khoảng 157 tỷ đồng về tay một cổ đông trẻ tuổi - Nguyễn Thị Như Thảo (sinh năm 2004). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của vị cổ đông 19 tuổi này gần 4.7%.

Số tiền thu về, Công ty trả nợ vay ngân hàng, thanh toán công nợ và bổ sung vốn lưu động.

“Sau đợt phát hành hơn 112 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, Công ty dự kiến một thời gian dài nữa, tầm một vài năm tới, mới suy nghĩ thêm việc tăng vốn, hiện tại chưa có ý tưởng” - ông Nguyễn Tuấn Huỳnh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc C4G cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) kết thúc chào bán cổ phiếu ra công chúng ngày 08/06 sau khi phân phối hết 25.9 triệu cp với giá 20,000 đồng/cp. Toàn bộ số tiền thu ròng trên 518 tỷ đồng, TNH đầu tư cho dự án bệnh viện TNH Việt Yên tại khu đất y tế, khu dân cư Nguyễn Thế Nho, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; mua sắm máy móc, thiết bị cho bệnh viên Quốc tế Thái Nguyên và trả nợ tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Công ty còn phát hành 2.5 triệu cp ESOP cho người lao động và phát hành gần 15.6 triệu cp trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 3%.

CTCP Xây dựng Số 12 (V12) hoàn thành đợt chào bán thành công hơn 5.8 triệu cp vào giữa tháng 5. Với giá 12,000 đồng/cp, V12 thu về gần 70 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Vinaconex Quảng Ninh.

Trong quý 3, một số doanh nghiệp khác cũng thành công trong việc huy động vốn từ cổ đông hiện hữu. Đơn cử, Tổng Công ty Chăn Nuôi Việt Nam - CTCP (VLC) huy động hơn 562 tỷ đồng cho việc tăng vốn góp tại Công ty TNHH Chăn nuôi Việt Nhật (JVL) để thực hiện dự án bò thịt. Với giá phát hành 14,000 đồng/cp, VLC phân phối được hơn 40 triệu cp (cho 2,884 nhà đầu tư) trong tổng số hơn 43 triệu cp chào bán; vốn điều lệ VLC tăng lên gần 2,125 tỷ đồng.

Một công ty khác là Vận tải Khí và Hóa chất Việt Nam (PCT) đã phân phối trên 22.4 triệu cp trong tổng số gần 27.6 triệu cp chào bán với giá 10,000 đồng/cp, thu về 224 tỷ đồng. Số tiền dùng để đầu tư 1 tàu dầu/hóa chất (tàu số 3) trọng tải khoảng 19 ngàn - 25 ngàn DWT. Vốn điều lệ sau huy động của PCT tăng từ gần 276 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhộn nhịp lên kế hoạch chào bán ra công chúng

Bước sang quý 3, nhiều doanh nghiệp rục rịch lên kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng; mục đích đa dạng từ bổ sung vốn lưu động, cơ cấu nợ hay mua cổ phần doanh nghiệp khác…

Chẳng hạn, Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) sắp tới chào bán 48 triệu cp (tỷ lệ 65.9%) với giá 10,000 đồng/cp - không chênh lệch lớn so với thị giá.

Số tiền dự kiến thu về 480 tỷ đồng, TEG dùng để nhận chuyển nhượng 15 triệu cp CTCP Điện gió Trường Thành Trà Vinh và mua gần 4 triệu cp CTCP Năng lượng Trường Thành từ CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (TTVN), tại mức giá lần lượt 20,000 đồng/cp và 13,300 đồng/cp. Số tiền còn lại dùng trả nợ cho ông Nguyễn Văn Quân mà TEG vay vào năm 2021 để góp vốn vào Công ty TNHH Onsen Hội Vân và 57 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Mặc dù đã tăng vốn trong trong quý 2 qua chào bán và trả cổ tức, nhưng nhu cầu vốn của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên chưa dừng ở đó. Sắp tới, Công ty tiếp tục bán hơn 15.2 triệu cp (tỷ lệ gần 15.9%) với giá 10,000 đồng/cp - thấp hơn khoảng 57% so với thị giá. Số tiền 152 tỷ đồng dự kiến thu dùng bổ sung vốn lưu động (40 tỷ đồng), trả nợ vay cá nhân và ngân hàng (112 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng chào bán cổ phiếu cho cổ đông ở mức giá chênh lệch nhiều so với thị giá.

Nhận thấy tiềm năng của các khoáng sản cao lanh, cát và ốp lát nhân tạo phục vụ các công trình xây dựng khu vực TP.HCM và các tỉnh giáp ranh cũng như xuất khẩu giai đoạn 2023 - 2026, Đầu tư tài sản Koji (KPF) muốn huy động vốn từ chào bán hơn 9.7 triệu cp (tỷ lệ 16%) với giá 10,000 đồng/cp, cao hơn thị trường khoảng 45%.

Số tiền thu về dự tính gần 97.4 tỷ đồng dùng bổ sung vốn cho hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh, khai thác, chế biến khoáng sản cao lanh với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Lộc Thọ, bao gồm nhưng không giới hạn việc bổ sung vốn lưu động cho Công ty.

HĐQT KPF xác định Phước Lộc Thọ sẽ là đối tác chiến lược với vị thế sở hữu mỏ cao lanh, khoáng sản và mỏ cát tại miền Nam và đã hoàn thiện các chủ tục pháp lý cũng như công tác giải phóng mặt bằng.

Hodeco (HOSE: HDC) muốn phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua với giá thấp hơn khoảng 56% so với thị trường, tức 15,000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện 1,000:148, tương ứng 20 triệu cp.

HDC sẽ dùng toàn bộ vốn huy động được (300 tỷ đồng) để trả nợ vay ngân hàng bao gồm gốc và lãi tại BIDV, PGBank, TPBank và Vietcombank.

Ông lớn đầu tư công, Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) muốn huy động 820 tỷ đồng từ phát hành hơn 82 triệu cp cho cổ đông với giá 10,000 đồng/cp.

HHV dự kiến trích hơn 108 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư Đèo Cả, gần 34 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, 150 tỷ đồng trả khoản vay ngắn hạn tại các tổ chức tín dụng, gần 332 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của Công ty, còn lại 200 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...