Sửa đổi Luật Việc làm để đảm bảo quyền lợi của người lao động
Cần xây dựng Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đảm bảo quyền lợi của người lao động và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Đây là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội thảo góp ý Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, sáng 8/4.
Chung quan điểm cùng một số đại biểu, bà Ung Thị Xuân Hương, Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, qua hơn 8 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, về cơ bản, Luật Việc làm đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế như đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với tỉnh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương: Quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác. Ngoài ra, thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm. Vì vậy, việc ban hành Luật Việc làm mới thay thế cho Luật Việc làm năm 2013 là rất cần thiết.
Quan tâm đến quyền lợi của người lao động, bà Ung Thị Xuân Hương cho rằng, hiện nay, việc đào tạo nghề chưa gắn với thông tin thị trường lao động, chưa dự báo được nhu cầu thị trường nên người lao động phải làm trái ngành, trái nghề đã học. Vì vậy, bà Hương đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 6 quy định về dự báo nhu cầu của thị trường, kết nối đào tạo nghề với nhu cầu thị trường.
Cũng theo bà Ung Thị Xuân Hương, tại Điều 16 cần nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về chính sách an sinh xã hội đối với người lao động cao tuổi như tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế, cao tuổi thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động; mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già; hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát…
Về bảo hiểm thất nghiệp (Chương VII Dự thảo), bà Ung Thị Xuân Hương nêu ý kiến, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định về bảo hiểm thất nghiệp để tránh trùng lặp với Luật Bảo hiểm xã hội và chỉ nên đưa nội dung nào có tác động tạo việc làm cho người lao động.
Quan tâm đến những quy định về bảo hiểm cho người lao động, ông Phạm Văn Hiền, Trung tâm Tư vấn pháp luật việc làm Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có rất nhiều người lao động là “nạn nhân” của tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... dẫn đến việc họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm... Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu người lao động đóng đến thời điểm nào tạo điều kiện hưởng thời gian đó, được tham gia đào tạo nghề, bởi lẽ không do lỗi của người lao động.
Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Hiền đề nghị, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần sửa đổi quy định về điều kiện vay vốn đối với người lao động theo hướng gia tăng giá trị hỗ trợ hợp lý và phù hợp cho từng đối tượng của từng vùng khác nhau nhằm tạo động lực phát triển kỹ năng nghề nghiệp; có cơ chế nhà nước phối hợp cùng các doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề cấp chứng nhận tay nghề cho người lao động để tạo điều kiện cho họ có tay nghề, làm việc lâu năm sớm quay lại thị trường lao động vì lý do nào đó phải dời doanh nghiệp…
Tại hội thảo, một số đại biểu kiến nghị xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và việc làm, không chỉ dừng ở dữ liệu người lao động, nhằm kết nối hiệu quả giữa cung - cầu lao động, hỗ trợ công tác quản lý và hoạch định chính sách đào tạo, việc làm. Một số đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu tránh trùng lặp giữa Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội, chỉ nên giữ lại các nội dung liên quan đến việc làm và chính sách hỗ trợ trực tiếp tạo việc làm cho người lao động; cho người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp khi trên 144 tháng đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, để thu hút người lao động tích cực tham gia bảo hiểm thất nghiệp và tránh biến động lao động.
Các đại biểu có ý kiến góp ý cụ thể vào các điều khoản của Dự thảo Luật như: đề nghị bổ sung cụm từ “tạo điều kiện” vào khoản 2, Điều 4 của Dự thảo thành “Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia tạo việc làm..." để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 là "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động"; đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ cho người lao động “sử dụng nhiều lao động nữ, người cao tuổi", quy định tại khoản 8, Điều 4; bổ sung “phân biệt về giới” trong hành vi bị cấm quy định tại khoản 1, Điều 5…
Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi gồm 8 chương, với 61 Điều, quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký và quản lý lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm./.
Xuân Khu