A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà phê Thuận An lần đầu chia cổ tức tỷ lệ 12.8% bằng tiền

CTCP Cà phê Thuận An (UPCoM: TAN) sẽ trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 12.8%. Đây là năm đầu tiên TAN trả cổ tức cho cổ đông kể từ khi giao dịch trên UPCoM năm 2019 đến nay.

Với tỷ lệ thực hiện 12.8% (sở hữu 1 cp được nhận 1,280 đồng) và hơn 1.6 triệu cp đang lưu hành, TAN cần chi hơn 2 tỷ đồng để hoàn tất đợt trả cổ tức này. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/09. Ngày thanh toán dự kiến vào 13/10/2023.

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TAN đã thông qua kế hoạch trả cổ tức 2022 với tỷ lệ 12.8% bằng tiền. Như vậy, Công ty đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Tính tới ngày 30/06/2023, danh sách cổ đông lớn của TAN gồm các cá nhân là ông Trần Quang Hiền nắm giữ 22.3% vốn; ông Hoàng Hải (21.68%); ông Trần Đình Thuận (16.95%); bà Trần Thị Cẩm Vang (12.39%); ông Lê Văn Một (11%) và UBND tỉnh Đắk Nông (5%).

Trong danh sách trên, chỉ có ông Lê Văn Một hiện đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TAN (được bổ nhiệm ngày 18/07/2019), còn lại đều là các cổ đông ngoài Công ty.

TAN tiền thân là Xí nghiệp Liên hiệp Cà phê Đức Lập được thành lập từ năm 1978, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, chế biến cà phê nhân xuất khẩu. Công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An vào tháng 7/2010. Tiếp đó, TAN thực hiện IPO vào ngày 26/04/2019 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với hơn 1.3 triệu cổ phần và được các nhà đầu tư mua hết với giá trúng bình quân là 57,451 đồng/cp.

Cổ phiếu TAN “xông đất” sàn UPCoM vào ngày 10/06/2019 với giá 57,500 đồng/cp. Tuy nhiên, trong ngày đầu chào sàn, cổ phiếu này đứng yên ở mốc tham chiếu và không có giao dịch. Đáng buồn, tình trạng này kéo dài suốt 15 tháng, trước khi cổ phiếu TAN ghi nhận sự điều chỉnh.

Từ giữa tháng 2/2023 đến nay, thị giá TAN vẫn đứng yên ở mức 41,000 đồng/cp, rơi gần 30% so với thời điểm chào sàn và hầu như “trắng” thanh khoản.

Diễn biến giá cổ phiếu TAN từ đầu năm 2023 đến nay

Về tình hình kinh doanh, kế hoạch sau cổ phần hoá giai đoạn 2019-2021, TAN dự kiến tăng trưởng lợi nhuận bình quân 6%/năm và duy trì trả cổ tức trên 10%/năm.

Thế nhưng, trên thực tế, kết quả kinh doanh của TAN kém xa so với kỳ vọng, mặc dù không lỗ nhưng Công ty chỉ lãi “còi” vài chục triệu đồng trong năm 2019-2020. Giai đoạn 2021-2022, lãi sau thuế của TAN trên 1 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn trước niêm yết.

Sang năm 2023, Công ty dự kiến tổng doanh thu hơn 20.1 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 1.9 tỷ đồng, tăng lần lượt 35% và 51% so với thực hiện năm 2022. TAN chưa công bố kế hoạch trả cổ tức 2023.

Kết quả kinh doanh các năm trước của TAN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...