A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biến động tại Bangladesh tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam, Vinatex ước lãi 9 tháng tăng hơn 70%

"Điểm khác biệt năm 2024 so với 2023 là sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn. Những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanma đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam".

Đây là thông tin được ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) chia sẻ tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng tổ chức cuối tuần trước.

Báo cáo sơ bộ về kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2024, Vinatex ước tính doanh thu hợp nhất 13,036 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 490 tỷ đồng, tăng hơn 70%. Với kết quả này, Tập đoàn ước thực hiện được gần 73% chỉ tiêu doanh thu và hơn 89% mục tiêu lợi nhuận năm.

Theo Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường, năm 2024, bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. Điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với 2023 là sau mỗi quý thị trường chuyển biến thuận lợi hơn.

Sáu tháng đầu năm 2024, toàn ngành dệt may chỉ xuất khẩu được khoảng 20 tỷ USD, nhưng sau đó, những tác động bất ổn của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh và Myanma đã tạo thuận lợi ngắn hạn cho dệt may Việt Nam.

Ảnh minh họa

"Các doanh nghiệp cần tiếp tục hành động quyết liệt, nâng cao năng lực sản xuất, thực hành tiết kiệm để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành ổn định, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu vẫn đang đối mặt với tình hình khó khăn suốt 30 tháng trở lại đây", ông Trường nhấn mạnh. 

Đón đầu thị trường "ngách" với sản phẩm vải chống cháy

"Mục tiêu đạt 44 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024, tăng trưởng 10% so với năm 2023. Để đạt mục tiêu thì phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu thị trường trong quý 4/2024", nhận xét của Chủ tịch Lê Tiến Trường trong bài viết gần đây trên website Vinatex.

Theo kinh nghiệm, ông Trường nhận thấy từ năm 2022 đến nay, những dự báo dài hạn 6 tháng đến 1 năm có độ chính xác rất thấp, nên có thể nói thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là chưa biết dự báo tình hình như thế nào.

"Chúng ta có thể có những tháng rất tốt, nhưng ngay sau đó có 1-2 tháng trở nên rất xấu", người đứng đầu Vinatex nói và chiêm nghiệm diễn biến thị trường từ năm 2022 đến nay đã cho những nhà quản lý ngành dệt may bài học là luôn luôn phải có những dự báo ngắn hơn, cập nhật hơn, quyết định quản lý nhanh hơn, linh hoạt hơn nếu muốn đón được sóng của những đợt tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn của thị trường thế giới.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường chia sẻ tại một sự kiện hồi tháng 5/2024

Để cán đích kế hoạch năm, Vinatex và các doanh nghiệp thành viên đã có những giải pháp và hướng đi riêng của từng đơn vị. Kinh doanh vải và sản xuất trang phục chống cháy là một trong những giải pháp đi vào thị trường ngách, tìm hướng gia tăng giá trị sản phẩm.

Theo đó, Vinatex đã liên doanh với Tập đoàn Coats hợp tác đầu tư sản xuất vải chống cháy và đang khẩn trương sản xuất, dự kiến trong quý 3 và đầu quý 4 sẽ xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông, Mỹ.

"Đối với sự hợp tác này, năm 2024, Vinatex đặt ra mục tiêu doanh thu 2-2.5 triệu USD và trong 5 năm đầu tiên định hướng mỗi năm có thể tăng trưởng gấp đôi, mục tiêu trước hết là đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ, từ bước tiến ở thị trường Mỹ sẽ thuận lợi ở các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các thị trường khác trên thế giới", ông Trường chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...