Thói quen ăn uống hại sức khỏe của nhiều người
Ăn cơm giúp chúng ta có cảm giác no lâu và được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi ăn cơm cần tránh xa những sai lầm dưới đây.
1. Ăn cơm cùng những món mặn
Thịt rang, rau xào, canh chua, cà muối... là những món ăn vô cùng "đưa cơm" mà người Việt thích. Điểm chung của những món ăn này đó là có vị mặn, nên kích thích ăn nhiều cơm hơn để trung hòa vị giác. Có lẽ việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn mặn chính là lý do khiến lượng muối tiêu thụ của người Việt đang ở mức quá cao.
Trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo TS. Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), để hạn chế lượng muối ăn, mọi người cần tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm. Thay vào đó, bạn có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt… để tăng cảm giác ngon miệng.
Ngoài ra, TS Hà khuyên các gia đình nên thay đổi hình thức xào, rán, sang phương pháp hấp luộc để giảm thiểu lượng muối tiêu thụ.
2. Ăn hoa quả tráng miệng ngay sau bữa ăn
Hoa quả được cho là có thể tiêu thụ bất cứ lúc nào, tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng lại đánh giá: Nên tránh ăn sau bữa chính, đặc biệt là bữa cơm tối.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Shilpa Arora chia sẻ trên trang NDTV: Không nên ăn hoa quả khi vừa kết thúc bữa cơm. Lý do là vì các loại trái cây thường chứa nhiều đường và carbohydrate, nếu kết hợp với vi khuẩn trong ruột có thể gây lên men thực phẩm, cản trở hệ tiêu hóa hoạt động bình thường.
3. Uống trà ngay sau bữa ăn
Vừa ăn no xong đã uống trà đặc là một lựa chọn sai lầm của rất nhiều người Việt. Bởi lúc này một lượng lớn nước sẽ đi vào dạ dày, làm loãng dịch tiêu hóa do chính dạ dày tiết ra, gây hại cho quá trình tiêu hóa của dạ dày.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia), uống nước trà quá đặc, quá chát sau khi ăn có thể gây cản trở hấp thu sắt. Nếu như bạn pha loãng thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng nên uống nước chè sau khi ăn từ 1h đến 1h30 phút, không nên dùng nước quá đặc, quá nóng.
4. Ăn cơm nguội
Cơm nguội tưởng chừng vô hại nhưng nó chính là "ổ vi khuẩn". Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội): Gạo là lương thực dễ chứa bào tử gây ngộ độc thực phẩm đó là Bacillus cereus. Ở nhiệt độ cao, chúng sẽ chết.
Tuy nhiên, việc bảo quản cơm nguội ở nhiệt độ phòng bình thường sẽ tạo điều kiện cho bào tử và các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Nếu ăn phải cơm nguội nhiễm khuẩn, mọi người có thể đối mặt với rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính.
Các gia đình nên cân đối để nấu lượng cơm vừa đủ với nhu cầu của mình, như vậy sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của cơm.