Dân văn phòng trước áp lực tăng giá: “Xăng tăng, nước cũng tăng, tôi chọn đổ xăng thay vì uống nước”
Sức nóng tăng giá đã lan đến cốc nước của dân văn phòng. Trước áp lực tăng giá, người trẻ buộc phải xoay xở để vừa có thể chi trả tiền nhà nhưng vẫn có thể tận hưởng cuộc sống.
Cứ 2 giờ chiều, sau giấc ngủ trưa vỏn vẹn 30 phút, Nguyễn Hải Anh (1995) thường nhận được tin nhắn từ nhóm những người bạn cùng cơ quan: “Chiều nay uống gì nhỉ?”. Đều là tín đồ của thương hiệu Highland, Phúc Long hay Coffee House, nhóm của cô thường gom đơn để giảm phí ship và áp mã giảm giá một cách tối đa. Tuy nhiên mới đây, khi thương hiệu này ra thông báo chính thức tăng giá kể từ 27/6, số lượng người mua chung trong nhóm giảm ½, nhiều người thường chọn uống size L nay đã phải đổi xuống size M để tiết kiệm. Trong đó, chính Hải Anh cũng phải đắn đo nhiều trước khi đặt đồ uống.
Thắt lưng buộc bụng trong từng cốc nước
Là một người không thể tỉnh táo làm việc nếu thiếu trà hay cà phê, chiều nào Hải Anh cũng đặt một ly trà size L của thương hiệu mình yêu thích. “Với khối lượng công việc lớn, tôi không thể làm việc nếu thiếu một cốc trà vào mỗi buổi chiều. Ngoài để tỉnh táo, việc nạp thêm đồ ngọt cũng giúp tôi up mood hơn”, nữ nhân viên trong ngành tài chính giải thích.
Tuy nhiên, theo cô để duy trì thói quen này trong giai đoạn giá cả tăng cao là điều khó khăn. Bởi mức lương không đổi, trong khi chi phí sinh hoạt điện nước, xăng xe đều phải bỏ thêm.
So sánh với trước đây, Hải Anh cho biết loại đồ uống cô yêu thích đã tăng từ 11-15%, thậm chí có loại tăng đến 18% (khoảng 10.000 đồng). Nếu vẫn duy trì thói quen cũ với loại nước uống tăng 18%, mỗi tháng cô sẽ phải bỏ thêm gần 300.000 đồng. Đó chưa kể nhiều ngày, vì phải thức đêm để giải quyết công việc, Hải Anh cần thêm một cốc trà để tỉnh táo vào buổi sáng.
“Với 300.000 đồng chênh lệch này cùng mức tăng giá xăng hiện nay, tôi có thể sử dụng số tiền này để để đổ được khoảng 2 bình xăng cho chiếc xe đang đi”, Hải Anh nói.
Bảng giá mới của thương hiệu Hải Anh yêu thích. Nguồn: Internet.
Để tiết kiệm, cô đang bắt đầu cắt giảm tần suất uống trà của thương hiệu này. Thay vào đó, Hải Anh cùng những người đồng nghiệp tìm đến những thương hiệu có mức giá phù hợp hơn. “Kể ra việc thích nghi cũng không khó như tưởng tượng, vì quãng đường đi làm của tôi xa hơn trước đây nên tôi đành phải dành khoản tiền chênh lệch này đổ xăng thay vì để tiền mua loại đồ uống đắt đỏ này”, cô cười và nói.
Cũng cần phải sử dụng cà phê để tỉnh táo khi làm việc, 2 ngày nay, Viết Hưng (1997) bỏ những dụng cụ pha cà phê tại nhà đã mua từ đợt giãn cách để sử dụng. “Tôi nghĩ rằng mình sẽ không phải sử dụng nó nữa, nhưng thương hiệu đồ uống của tôi tăng giá cao hơn mức có thể chi trả nên tôi buộc phải tự pha”, anh vừa rót coldbrew từ chai 1,5l đã được ủ lạnh từ đêm hôm trước và nói.
“Trung bình mỗi ly nước của tôi dao động khoảng 35.000-60.000 đồng/ngày. Nhiều hôm, tôi phải sử dụng đến 2 ly nên giá tiền sẽ tăng gấp đôi”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên khi nhận được thông báo cửa hàng “ruột” tăng giá 10-15% so với trước đây, Hưng quyết định “quay xe”, tự pha đồ uống để mang đi làm. “Cũng không phải là người sành về cà phê nên tôi lựa chọn pha những loại đơn giản như cold brew, cà phê sữa hay đơn giản chỉ cần cho cà phê vào túi lọc và ngâm trong nước nóng như trà”, anh kể.
Theo tính toán của Hưng, việc tự pha dẫu hương vị có thể không ngon như ngoài hàng nhưng giúp anh tiết kiệm được 10.000-20.000 đồng/ngày. “Mỗi ngày một ít, đến cuối tháng tôi nghĩ sẽ dôi dư ra một chút tiền so với việc chấp nhận với mức giá đắt đỏ hiện nay. Số tiền này có lẽ tôi sẽ bù vào tiền đổ xăng hoặc thêm vào khoản đầu tư chứng khoán”, anh cười và nói.
Giảm các nhu cầu khác để bù đắp
Khác với phần đông, Phương Thúy (25 tuổi, content creator) cho rằng sẽ cắt giảm các khoản chi tiêu khác để được thưởng thức loại đồ uống yêu thích. Khi nhận được thông tin thương hiệu đồ uống quen thuộc của mình tăng giá, Thúy cho rằng đây là điều dễ hiểu. “Giá xăng liên tục trong những kỳ điều chỉnh gần đây, việc một cửa hàng tăng giá tôi không quá ngạc nhiên. Tuy nhiên vì không thể làm việc nếu thiếu đồ uống nên tôi nghĩ vẫn sẽ sử dụng”, cô chia sẻ.
Ngoài các khoản chi bắt buộc như tiền nhà, điện nước, Thúy cho biết sẽ cắt giảm số lần ra hàng gội đầu đầu để bù vào khoản chênh lệch giá đồ uống tăng. “Theo tính toán của tôi, nếu với tần suất 1 ly/ngày cùng mức giá tăng hiện nay, tôi sẽ phải chi trả thêm khoảng 200.000 đồng/tháng so với trước. Để cân đối được chi tiêu, tôi sẽ bớt 2 lần gội đầu ngoài hàng để bù đắp”, cô nói.
Bên cạnh đó, Thúy cho rằng, việc tỉnh táo làm việc rất quan trọng, nó sẽ giúp cô nâng cao năng suất gấp 2-3 lần. Vì thế, cô buộc phải giảm các khoản chi khác để san sẻ.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tăng cao đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi có thể xem là nhóm chịu tác động mạnh mẽ nhất.
Khảo sát gen Z và Millennial năm 2022 của công ty kiểm toán Deloitte thực hiện với 14.808 người ở 46 quốc gia đã chỉ ra rằng khía cạnh về trải nghiệm của thế hệ trẻ, đáng chú ý nhất là nền tài chính của họ trong thế giới ngày càng đắt đỏ, theo Forbes.
Khi được hỏi về mối quan tâm cấp bách nhất, 29% những người lao động ở độ tuổi Gen Z (sinh năm 1995-2012) cho biết chi phí sinh hoạt, bao gồm tiền thuê nhà, phương tiện đi lại và các hóa đơn điện, nước, là mối lo hàng đầu của họ.
46% gen Z rơi vào tình trạng căng thẳng về tài chính khi thừa nhận lương của họ chỉ đủ sống qua ngày. Chỉ 25% báo cáo rằng họ có thể thoải mái chi tiêu hàng tháng.