A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới

Giới văn nghệ sĩ được xem là một nguồn lực quan trọng để phát triển sẽ góp phần tích cực xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời đại mớ

Ngày 24-5, hội thảo "Giá trị văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội, Huế, TP HCM trong dòng chảy VHNT Việt Nam" đã diễn ra tại TP Huế với sự góp mặt của hơn 100 đại biểu là văn nghệ sĩ của 3 TP.

Sức mạnh nội sinh

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đánh giá cao việc tổ chức hội thảo với sự tham gia khá đông của giới văn nghệ sĩ ở 3 TP. Ông kỳ vọng qua hội thảo này sẽ hình thành được cơ chế phối hợp để văn nghệ sĩ 3 miền cùng chung tay đẩy mạnh sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về chân - thiện - mỹ cho người dân.

Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, phát biểu tại hội thảo

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng giá trị VHNT của Hà Nội, Huế và TP HCM là những giá trị tiêu biểu, nền tảng của văn hóa Việt Nam. Do vậy các văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ giữ gìn, khai thác, sáng tác nâng tầm những nền tảng văn hóa này thành những tác phẩm VHNT hay, hấp dẫn, có giá trị để thực sự trở thành "sức mạnh nội sinh" góp phần đưa Hà Nội, Huế và TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

 

Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh các văn nghệ sĩ cần biến những kho tàng VHNT Việt Nam ở các lĩnh vực văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, múa, kiến trúc… thành những sản phẩm phù hợp để góp phần nâng cao và rút ngắn khoảng cách về mức thụ hưởng văn hóa cho người dân.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP HCM, thời gian qua tại TP HCM trong lĩnh vực VHNT đã có những kết quả đáng khích lệ. Các đơn vị hoạt động VHNT công lập đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ người dân, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và vui chơi giải trí của người dân và du khách.

Hướng đến công nghiệp văn hóa

Trong phần thảo luận, nhiều văn nghệ sĩ đã lên tiếng về những hạn chế trong hoạt động VHNT ở cả 3 TP Hà Nội, Huế, TP HCM trong thời gian gần đây như xuất hiện một số hiện tượng, một số tác phẩm VHNT đang sa đà đáp ứng vào nhu cầu, thị hiếu tầm thường, hoặc nội dung tác phẩm còn sơ lược. Một số vở diễn chạy theo thị hiếu đã kém thẩm mỹ theo góc nhìn giễu cợt, chọc cười vô tội vạ. Nhiều đề tài lớn của nền VHNT cách mạng không được giới văn nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến năng lực tuyên truyền - cổ động trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều bộ môn VHNT truyền thống chưa được quan tâm đúng mức, đứng trước nguy cơ mai một.

 

Đồng quan điểm với những nhận định trên, NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng dù là TP lớn, song trong thời gian qua các nguồn lực đầu tư cho VHNT của TP HCM chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Công tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. "Hiện nay Hội Sân khấu TP HCM đã đưa vào hoạt động Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật. Có rất đông các diễn viên, đạo diễn trẻ đăng ký theo học. Đây là giải pháp căn cơ để khắc phục những bất cập trong hoạt động VHNT của TP" - NSƯT Trịnh Kim Chị nói.

Nhiều văn nghệ sĩ đã đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, gắn phát triển VHNT với giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các Hội VHNT của 3 TP sớm nghiên cứu thực hiện các hoạt động liên quan đến nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá, nghiên cứu phê bình VHNT trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng miền.

Biên đạo múa Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP HCM, đề nghị cần có kế hoạch cụ thể giữa 3 TP nhằm phát huy các giá trị VHNT trong phát triển kinh tế văn hóa, kinh tế du lịch, nhất là công nghiệp văn hóa. Các giá trị VHNT của 3 thành phố là hết sức lớn, rất cần được đánh thức trên cơ sở giao lưu, liên doanh, liên kết để phát triển.

Ban tổ chức hội thảo cho biết trước mắt, năm 2024 sẽ thực hiện những hoạt động VHNT quy mô lớn ở Hà Nội. Năm 2025 sẽ tổ chức ở TP HCM với chủ đề VHNT "50 năm thống nhất non sông". NSND Ứng Duy Thịnh mơ ước: "Với chuyên môn của ngành múa, tôi nghĩ sẽ thực hiện một "Vũ điệu thống nhất" và vũ điệu này sẽ trở thành một điệu nhảy truyền thống của người dân Việt Nam, trở thành di sản văn hóa Việt Nam".

Ký kết hợp tác về VHNT giữa Hà Nội - Huế - TP HCM

Ngày 24-5, tại TP Huế đã diễn ra lễ ký kết hợp tác, phối hợp hoạt động của 3 đơn vị Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội, Huế và TP HCM.

Tham dự lễ ký kết có ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Hà Nội, Huế, TP HCM và các lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cả 3 TP Hà Nội, Huế và TP HCM đều là những vùng đất sở hữu kho tàng đồ sộ về văn hóa đặc trưng vùng miền, tập hợp nhiều văn nghệ sĩ tạo nên diện mạo VHNT phong phú. Nội dung ký kết sẽ tăng cường phối hợp giữa 3 thành phố trong hoạt động VHNT nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của lĩnh vực VHNT trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

H.Thuận


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...