A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngoại giao chủ động với Trung Quốc

Singapore sẽ nhấn mạnh quan điểm trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN trong khi Malaysia ưu tiên các vấn đề kinh tế với Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng các chuyến thăm Trung Quốc trong tuần này của hai nhà lãnh đạo Malaysia và Singapore cho thấy các nước Đông Nam Á đang áp dụng chiến lược "chủ động" hợp tác và củng cố quan hệ kinh tế với Bắc Kinh trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là hai trong số các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 tuần này. Đây là hội nghị thường niên được tổ chức từ năm 2001 nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực.

Cả hai dự kiến gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường. Theo tờ South China Morning Post, giới phân tích cho rằng các chuyến thăm của thủ tướng Malaysia và Singapore thể hiện mong muốn chủ động hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc - Mỹ gia tăng.

Ông Don McLain Gill, Giám đốc nghiên cứu về Nam Á và Đông Nam Á tại Hiệp hội Nghiên cứu Trung Đông - Philippines, nhận định: "Không thể phủ nhận các chuyến thăm nêu bật sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế do vị thế của Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Đông Nam Á. Ngoài ra, cuộc thảo luận về hòa bình và ổn định khu vực cũng có khả năng là một vấn đề trọng tâm trong các chuyến thăm".

Ngoại giao chủ động với Trung Quốc - Ảnh 1.

Thủ tướng Lý Hiển Long (thứ 3 từ trái sang) tới TP Quảng Châu hôm 27-3, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc Ảnh: MCI

Trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên sau 4 năm, Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu vào ngày 30-3 tại phiên khai mạc toàn thể của Diễn đàn Bác Ngao tại Hải Nam.

Thủ tướng Anwar cũng tham dự diễn đàn và có cuộc trò chuyện với các sinh viên tại Trường ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh.

Ông Peter Mumford, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu khu vực Đông Nam Á của Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho rằng hai nhà lãnh đạo Singapore và Malaysia sẽ tập trung tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc.

Ông Mumford nhận định Singapore sẽ thể hiện lập trường trung lập về địa chính trị, đồng thời duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc.

Đề cập Malaysia, ông Mumford cho rằng phải xem liệu Thủ tướng Anwar, người trước đây được cho là thân với phương Tây hơn so với những người tiền nhiệm, có cách tiếp cận khác với Trung Quốc hay không.

Theo báo Straits Times, chính sách xoay trục sang ngoại giao kinh tế của Malaysia kể từ lúc Thủ tướng Anwar lên nắm quyền cách đây 4 tháng sẽ được chú ý khi ông bắt đầu chuyến thăm 6 ngày từ hôm 28-3. Giới phân tích tin rằng những ưu tiên của ông Anwar tại cuộc họp sẽ là về kinh tế và xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư đáng kể với Trung Quốc.

Ông Oh Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Quan hệ quốc tế Singapore, nhận định Bắc Kinh cũng có khả năng thúc đẩy các dự án ở Malaysia nhưng sẽ phải ưu tiên khôi phục nền kinh tế trong nước.

Ông Dylan Loh, giáo sư các vấn đề toàn cầu tại Trường ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, đánh giá quan hệ Mỹ - Trung có thể là trọng tâm của các cuộc họp tuần này. Ông Loh dự báo vai trò của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng được nhấn mạnh vì khu vực này có mối quan hệ kinh tế và an ninh lâu dài với cả Trung Quốc và Mỹ.

Theo ông Chong Ja Ian, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, ông Lý và ông Anwar có thể thảo luận về cách thức duy trì sự ổn định ở biển Đông và thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nhằm ngăn căng thẳng leo thang. 

Thỏa thuận năng lượng "khủng"

Các nhà phân tích cho biết thỏa thuận mang tính bước ngoặt trị giá 10 tỉ USD cho một tổ hợp lọc dầu hiện đại ở TP Bàn Cẩm thuộc tỉnh Liêu Ninh mà Trung Quốc vừa ký kết với Ả Rập Saudi sẽ giúp nước này củng cố an ninh năng lượng dài hạn. Đó là hành động "đôi bên cùng có lợi" giữa nước xuất khẩu dầu lớn nhất và quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới trong bối cảnh nguồn cung từ phía Nga có thể không ổn định.

Khoản đầu tư được công bố hôm 26-3 bởi Công ty dầu mỏ Saudi Aramco, chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước Ả Rập Saudi, chỉ vài tháng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Ả Rập Saudi vào tháng 12-2022 và ký một loạt thỏa thuận đầu tư và năng lượng với các nhà lãnh đạo chủ nhà.

Dự án ở Bàn Cẩm dự kiến bắt đầu trong vòng 3 tháng nữa. Theo thỏa thuận, Saudi Aramco cung cấp hơn 2/3 trong số 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày mà khu liên hợp này cần để làm nguyên liệu. Báo South China Morning Post ước tính tổ hợp Bàn Cẩm có thể nhập khẩu lượng dầu thô trị giá 160 tỉ USD từ Ả Rập Saudi trong suốt thời gian hoạt động, dựa trên giả định 210.000 thùng được cung cấp mỗi ngày với mức giá trung bình 60 USD/thùng.

Các nhà máy như vậy thường có tuổi thọ khoảng 35 năm, "bảo đảm Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu ổn định và liên tục" cho dầu mỏ Ả Rập Saudi trong tương lai gần - một nhà nghiên cứu ngành năng lượng tại Trung Quốc cho biết.

Các nhà phân tích vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua dầu thô giảm giá mạnh của Nga nhưng có những lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu "có thể làm gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng dầu mỏ toàn cầu, dẫn đến biến động giá lớn" - theo ông Joey Zhou, nhà phân tích hóa dầu của Công ty Dịch vụ hàng hóa thông minh độc lập (ICIS, trụ sở tại TP Thượng Hải - Trung Quốc).

Anh Thư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...