Ứng phó với stress khi thất nghiệp
Chăm sóc bản thân, vận động thể chất, duy trì mối quan hệ lành mạnh là cách ứng phó với căng thẳng khi thất nghiệp
Tình hình lao động - việc làm 6 tháng đầu năm 2023 được đánh giá trong tầm kiểm soát, dù vậy vẫn có khoảng gần 509.000 lao động bị ảnh hưởng. Mất việc, giảm giờ làm, khó khăn khi tìm việc mới, kéo theo áp lực về kinh tế, gia đình khiến một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) rơi vào khủng hoảng.
Mất định hướng
Tháng 2-2023, chị Trần Thị Cẩm C. (23 tuổi) rời Đà Nẵng vào TP HCM tìm cơ hội việc làm. Hy vọng có được công việc phù hợp trong lĩnh vực marketing sớm tan thành mây khói bởi đến nay chị vẫn trầy trật.
Nhiều tháng thất nghiệp khiến chị C. mất dần sự tự tin. Mỗi khi bạn bè hay gia đình hỏi thăm, chị đều cố tình lảng sang chuyện khác. "Tôi không dám về quê vì sợ mọi người xung quanh bàn ra tán vào. Nhiều khi tôi cảm thấy nghi ngờ về quyết định vào Nam lập nghiệp của mình" - chị C. nói.
Người lao động tập huấn về kỹ năng đối diện với stress trong nghề nghiệp và cuộc sống. (Ảnh do TS Đào Lê Hòa An cung cấp)
Hơn 2 tháng qua, anh Phạm Văn T. (24 tuổi, quê Phú Yên) dành phần lớn thời gian ở nhà vào các trang mạng xã hội tìm việc, nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí kỹ sư xây dựng. Anh T. là một trong số những nhân sự bị cắt giảm khi công ty thu hẹp quy mô. Ít kinh nghiệm, lại gặp ngay thời điểm ngành bất động sản gặp khó khăn, khiến cơ hội việc làm của anh T. hẹp dần. Không có việc làm, trong khi số tiền tích lũy sắp cạn khiến anh T. thêm âu lo.
Vụ tai nạn giao thông cuối năm 2022 khiến chị Nguyễn Phan Thùy A. (30 tuổi, quê Bình Định) phải mất nhiều tháng điều trị và dưỡng sức. Khoản tiền dành dụm bấy lâu nay cũng vơi đi. Sau khi sức khỏe hồi phục, chị đi xin việc nhiều nơi nhưng không đạt kết quả.
Qua vài lần phỏng vấn không thành công, chị A. tự cho rằng bản thân lạc hậu so với yêu cầu của nhà tuyển dụng. "Suy nghĩ đó lặp đi lặp lại khiến tôi căng thẳng, mất ngủ thường xuyên. Tôi cảm thấy bất lực và mất định hướng" - chị A. kể.
Tự chăm sóc bản thân
Nhiều chuyên gia khuyến cáo căng thẳng quá mức có thể đưa đến trạng thái rối loạn tâm thần như: trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ… Thậm chí, dẫn tới rối loạn nhân cách hoặc dồn nén các tổn thương, sang chấn.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An, nhà sáng lập ứng dụng hướng nghiệp 4.0 JobWay, cho rằng thất nghiệp kéo dài sẽ tạo ra sự cô đơn và cảm giác cô lập. Họ có thể trở nên xa lánh xã hội, do cảm thấy tự ti hoặc không muốn chia sẻ với người khác về tình trạng của mình. Những vấn đề trên dẫn tới việc suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến quan hệ cá nhân, sự tự tin và khả năng hoạt động hằng ngày.
Theo ông Lê Minh Công, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe tinh thần - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, để ứng phó với căng thẳng, có nhiều cách như: kết nối xã hội tích cực, chăm sóc bản thân, thiền chánh niệm, vận động thể chất… Trong đó, kết nối và hỗ trợ xã hội đóng vai trò quan trọng. Theo ông Công, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp có thể là yếu tố gây khủng hoảng và đưa tới nguy cơ giảm chất lượng tương tác, kết nối với người khác. Vì thế, mối quan hệ lành mạnh, tích cực vừa giúp phòng ngừa vừa đóng vai trò can thiệp, hỗ trợ khi một cá nhân trải qua stress, khủng hoảng.
Đối với những người rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần, họ cần tìm đến bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học lâm sàng hoặc chuyên viên tham vấn tâm lý để được trợ giúp. "Đôi khi, chúng ta nhầm tưởng cảm giác căng thẳng đã qua, nhưng trên thực tế nó vẫn hiện hữu trong đời sống tinh thần của mình. Những chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp sẽ giúp cải thiện và xử lý tận gốc rễ vấn đề một cách hiệu quả. Mấu chốt để ứng phó với stress, trước hết phải đến từ chính thái độ chủ động của mỗi người" - ông Công nói.
Tìm kiếm sự bảo đảm về việc làm
Một trong những vấn đề chính NLĐ phải đối mặt trong năm 2023 là nỗi sợ mất việc bất cứ lúc nào. Điều này đưa đến cảm giác bất an, bấp bênh về việc làm, trước những nguy cơ như suy thoái kinh tế, cắt giảm diện rộng. Báo cáo đầu năm của Adecco Việt Nam (TP HCM) cho thấy 24% NLĐ lựa chọn cảm giác bảo đảm, ổn định về công việc là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp của họ năm nay.