A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tránh bẫy lừa khi sang Hàn Quốc làm việc

Số lượng người lao động quan tâm thị trường Hàn Quốc tăng cao khiến nhiều đối tượng xấu cũng "ăn theo" đưa ra nhiều hứa hẹn để dụ dỗ họ

Năm 2023, cả nước có 11.626 người lao động (NLĐ) chọn sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Do Hàn Quốc thiếu nhân công trầm trọng nên liên tục tăng số lượng tiếp nhận lao động nước ngoài và năm nay sẽ cấp phép cho 165.000 NLĐ nước ngoài đến làm việc. Bên cạnh đó, nhiều chính sách để thu hút lao động nước ngoài cũng được nước này áp dụng, vì vậy lao động Việt Nam chọn sang Hàn Quốc tăng mạnh.
Số lượng lớn người đăng ký

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), số lượng NLĐ đăng ký dự thi năng lực tiếng Hàn tại các địa phương tăng nhanh. Có nhiều lý do khiến NLĐ chọn Hàn Quốc bởi công việc phù hợp và mức thu nhập khá cao. Hơn nữa Hàn Quốc tạm gỡ bỏ những địa phương nằm trong danh sách tạm dừng đưa lao động sang đã mở rộng cơ hội cho NLĐ tại những địa phương tạm dừng. Cùng với đó là những hoạt động tuyên truyền được triển khai bài bản, các cấp chính quyền ủng hộ và tạo điều kiện nên NLĐ yên tâm chọn chương trình EPS khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc.

Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS tại Hàn Quốc, cho biết xu hướng chọn Hàn Quốc để làm việc của NLĐ Việt Nam đang tăng mạnh khi hai bên tích cực giảm tỉ lệ người cư trú bất hợp pháp. Ngoài ra, với mức chi phí thấp, trong khi thu nhập lại khá cao nên họ sẽ ưu tiên chọn Hàn Quốc nhiều hơn. "Dự kiến trong năm nay tuyển chọn hơn 15.000 lao động Việt Nam. Trong đó, các ngành như: sản xuất chế tạo là 11.246 người, xây dựng 200 người, nông nghiệp 895 người, ngư nghiệp 3.033 người. Với số lượng này cũng giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển cho NLĐ Việt Nam" - ông Đức cho hay.

Theo ghi nhận tại một số địa phương, NLĐ tìm đến các địa điểm đăng ký khá đông, thậm chí có nơi số lượng tăng mạnh so với năm ngoái. Tại Nghệ An - địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng lao động sang Hàn Quốc làm việc, hiện đã có hơn 6.000 NLĐ đến làm thủ tục đăng ký (gấp đôi năm 2023). Hà Tĩnh cũng ghi nhận hơn 3.500 người đăng ký thi tuyển (gấp đôi so với năm ngoái).

Ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, cho biết địa phương có số lượng lớn người đăng ký tham gia chương trình EPS, nên năm nay trung tâm đã chia các huyện, thị xã, thành phố để tránh NLĐ đến cùng lúc quá đông; sử dụng mã QR, niêm yết các mẫu đơn, kích cỡ hình ảnh... để NLĐ thuận tiện trong việc đăng ký. "Trong các thông báo, trung tâm cũng lưu ý một số nội dung quan trọng để NLĐ xem có đủ điều kiện đăng ký hay không. Đồng thời nhắn nhủ NLĐ đọc thật kỹ thông tin về chương trình, hướng dẫn cách để tránh bị các đối tượng xấu, cò mồi, môi giới lợi dụng trục lợi, lừa đảo" - ông Thanh nói.

Tránh bẫy lừa khi sang Hàn Quốc làm việc- Ảnh 1.

Nhiều người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình để đăng ký thi tuyển sang Hàn Quốc làm việc

Tránh bị lợi dụng

Giữa năm 2023, anh Đặng Văn Tiến (27 tuổi, quê Quảng Bình) về nước sau 3 năm làm thực tập sinh ở Nhật Bản. Không tìm được việc làm, anh chuyển hướng tìm kiếm cơ hội sang Hàn Quốc.

Tìm hiểu thông tin về chương trình EPS, anh Tiến biết ngành mà anh có kinh nghiệm chưa được tuyển nên đăng lên hội nhóm Facebook để hỏi Hàn Quốc có tuyển ngành đầu bếp không? "Vài phút sau khi bài đăng được duyệt, tôi nhận được hơn chục tin nhắn chào mời sang Hàn làm việc ngành nhà hàng - khách sạn, đầu bếp, phục vụ... với mức lương từ 60 - 90 triệu đồng/tháng. Chi phí khoảng 50 - 100 triệu đồng, tất cả đều hứa hẹn có visa mới thu tiền dịch vụ" - anh Tiến kể. 

Sau đó, các đối tượng liên tục thúc anh làm hồ sơ, nhận link học tiếng Hàn online và đóng tiền cọc từ 15 - 20 triệu đồng. Nghi ngờ lừa đảo, anh Tiến đã gọi đến số hotline của Colab nên may mắn không bị mất tiền cọc. Không chỉ anh Tiến, nhiều người phản ánh trong các hội nhóm là đã bị lừa mất từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng vì chưa tìm hiểu kỹ chương trình EPS.

Trước những phản ánh về việc một số cá nhân, đơn vị quảng cáo, tuyển chọn hứa hẹn đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề không nằm trong danh mục tuyển dụng của chương trình EPS, Dolab đã cảnh báo đến NLĐ. Thông tin cho biết Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng tuyển dụng lao động nước ngoài theo thị thực E-9 vào làm việc trong các ngành nghề như giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp và nhân viên khách sạn…

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, cho hay dự kiến trong năm 2024, Hàn Quốc sẽ ban hành quy trình thực hiện bao gồm chỉ định quốc gia phái cử, cơ quan tuyển chọn, đơn vị đào tạo giáo dục định hướng. Do đó, chưa có bất cứ đơn vị, cá nhân nào được phép tuyển lao động sang Hàn Quốc làm những ngành nghề trên. Hiện Colab là đơn vị duy nhất phái cử lao động đi làm việc theo chương trình EPS, trong các ngành nghề: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu.

"Dolab cũng chưa tiếp nhận và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ nào để đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề như giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp và nhân viên khách sạn. Vì vậy, NLĐ hết sức cẩn thận, nếu muốn sang Hàn Quốc làm việc thì đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thành nơi cư trú để tìm hiểu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng" - ông Liêm nhấn mạnh. 

Đừng để bị hủy hợp đồng đáng tiếc

Mới đây, Colab nhận được thông tin từ Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc về việc một số NLĐ dự tuyển chương trình EPS (chủ yếu ngành ngư nghiệp), sau khi được người sử dụng lao động (NSDLĐ) lựa chọn, ký hợp đồng, lao động đã trực tiếp hoặc thông qua người quen liên hệ với NSDLĐ để hỏi thông tin về kế hoạch xuất cảnh. Vì vậy, Colab yêu cầu NLĐ chờ lịch xuất cảnh, không nóng vội, liên hệ với NSDLĐ dẫn đến bị hủy hợp đồng đáng tiếc.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...