A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP HCM lập quỹ 5 triệu USD đào tạo 6.000 kỹ sư thiết kế vi mạch/năm

"Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch trị giá 5 triệu USD" được nghiên cứu thành lập nhằm nhằm đào tạo khoảng 40.000 kỹ sư đến năm 2030

UBND TP HCM vừa có quyết định phê duyệt "Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch tại Khu Công nghệ cao giai đoạn 2025 - 2030".

Cụ thể, thành phố sẽ hoàn thiện và thí điểm cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn phù hợp với chủ trương của TP HCM cùng thực tiễn phát triển ngành vi mạch thế giới tại Khu Công nghệ cao. 

Các doanh nghiệp điện tử vi mạch bán dẫn trong Khu Công nghệ cao có hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mạnh mẽ, liên kết, ứng dụng, chuyển giao công nghệ với các tổ chức khoa học công nghệ công lập.

TP HCM lập quỹ 5 triệu USD đào tạo 6.000 kỹ sư thiết kế vi mạch/năm- Ảnh 1.

Nhân sự chất lượng cao làm việc tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao - TP Thủ Đức, TP HCM)

Mục tiêu của chương trình này là phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn TP HCM với hạt nhân là Khu Công nghệ cao có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu.

Đến năm 2030 Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh với: Hạ tầng khoa học công nghệ, mô hình quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của thế giới; năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ tiên tiến; ươm tạo, thương mại hóa thành công sản phẩm vi mạch Việt có tính ứng dụng trong xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững; 

là nơi thu hút và đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn đạt trình độ quốc tế cho TP HCM; hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển cho các doanh nghiệp vi mạch; có không gian phát triển các dự án đầu tư có sức lan tỏa công nghệ, kết nối vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn thế giới.

Để đạt được mục tiêu, ngoài nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, thí điểm cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn, TP HCM cho rằng nhiệm vụ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng.

TP HCM lập quỹ 5 triệu USD đào tạo 6.000 kỹ sư thiết kế vi mạch/năm- Ảnh 2.

Sinh viên theo học ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học FPT

Do đó, lãnh đạo TP HCM giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu thành lập "Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch quy mô 5 triệu USD". Đây là nguồn quỹ nhằm đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030 (khoảng 6.000 kỹ sư/năm).

Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất mô hình, cơ chế hợp tác đột phá, hiệu quả cho các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao với các trường đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhất là các Trung tâm vi mạch bán dẫn quốc gia để nâng cao nguồn lực, năng lực, rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi trong công tác đào tạo, ươm tạo, nghiên cứu phát triển.

Đặc biệt là chia sẻ hạ tầng khoa học công nghệ, năng lực của đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ quản lý tham gia các chương trình, dự án phát triển vi mạch tại Khu Công nghệ cao.

Tổ chức các khóa đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với yêu cầu sản xuất công nghiệp. Trong đó, đào tạo chuyên sâu cho 120 giảng viên, nhà nghiên cứu; đào tạo ngắn hạn, chuyển tiếp, nâng cao cho ít nhất 1.200 học viên; kết nối cộng tác với 2-3 chuyên gia đầu ngành hoặc chuyên gia quốc tế mỗi năm để xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cho Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao thành sẽ được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo để dẫn dắt mạng lưới đổi mới sáng tạo trong Khu Công nghệ cao, kết nối mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra, cuộc thi về thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ được TP HCM tổ chức định kỳ hằng năm. Cuộc thi sẽ huy động hiệu quả nguồn lực thông qua hợp tác giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để tạo môi trường cho các sinh viên và thanh niên yêu thích thiết kế vi mạch được đào tạo, hỗ trợ phát triển ý tưởng có tính ứng dụng cao trong xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững.

Phấn đấu thu hút ít nhất một nhà đầu tư chiến lược trong ngành vi mạch bán dẫn, tập trung vào công đoạn có giá trị gia tăng cao, kết nối đến hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu, doanh nghiệp nước ngoài có đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu phát triển, liên kết với doanh nghiệp nội địa, các cơ sở đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch tại Khu Công nghệ cao.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết