A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường lao động năm 2022 với nhiều thách thức

Thị trường lao động và việc làm trong năm 2022 đã trải qua một năm khốc liệt, có sự thay đổi nhanh chóng cùng với những dự báo khó lường

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, thị trường lao động - việc làm đã có những bước tiến vượt bậc khi một loạt chính sách lớn của Chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế.

Đầu năm 2022, nhiều nhà máy phải giải quyết những đơn hàng tồn đọng từ những đợt phong tỏa do dịch bệnh năm 2021. Trong khi đó, nhiều công nhân về quê tránh dịch không quay trở lại các thành phố lớn làm việc dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.

Thị trường lao động năm 2022 với nhiều thách thức - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp chạy đua tuyển dụng nhân sự trong nửa đầu năm 2022

Số liệu từ Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy thị trường lao động Việt Nam từ đầu năm 2022 đã những chuyển biến tích cực. Nếu như trong quý I/2022, cả nước có đến 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động bởi đại dịch thì đến quý II, con số này giảm còn 8 triệu người và tới quý III chỉ còn 4,4 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực, ít hơn 23,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ lệ lao động bị mất việc làm đã giảm mạnh so với những quý trước, trong quý III, số lao động bị mất việc làm chỉ còn 0,3 triệu người (chiếm 6,4%), 1,3 triệu người tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh, 1,2 triệu người bị cắt giảm giờ làm, 3,6 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Thị trường lao động năm 2022 với nhiều thách thức - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp dệt may "đỏ mắt" tìm lao động để thực hiện những đơn hàng tồn đọng từ 2021

Tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra trong thời gian ngắn vào đầu năm, nhưng lại đảo ngược vào cuối năm, khi Việt Nam thừa công nhân nhưng không đủ đơn hàng. Điều này diễn ra phần lớn là do sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tình trạng lạm phát gia tăng ở các thị trường trọng điểm châu Âu và Mỹ trong thời gian vừa qua.

Cú "sốc" bất ngờ này khiến lần đầu tiên, thị trường lao động Việt Nam chứng kiến hiện tượng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ Tết sớm.... tại một số doanh nghiệp thâm dụng lao động trong các lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến gỗ...

Thị trường lao động năm 2022 với nhiều thách thức - Ảnh 3.

Doanh nghiệp chế biến đồ gỗ cũng rơi vào khó khăn khi lượng đơn hàng cắt giảm nhiều

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ tháng 9 cho đến giữa tháng 12-2022, có 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành gặp khó khăn, sụt giảm đơn hàng. Số lao động bị giảm giờ làm hoặc đang mất việc làm có hưởng lương là 433.908 người; số lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 6.570 người; chấm dứt hợp đồng lao động với 41.642 người.

Thị trường lao động năm 2022 với nhiều thách thức - Ảnh 4.

Tuy vậy, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng trong năm 2022

Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý IV và cả năm 2022, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết thị trường lao động quý IV/2022 tiếp tục phục hồi nhưng chậm dần, nhưng tính chung cả năm 2022, thị trường lao động Việt Nam có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ thiếu việc làm và tỉ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm qua đang phục hồi.

Thị trường lao động năm 2022 với nhiều thách thức - Ảnh 5.

Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân người lao động bởi niềm tin suy thoái kinh tế thế giới sẽ sớm qua đi

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý III và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 là 51 triệu người, tăng 239.400 người so với quý trước và tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ 2021.

Do đó, năm 2022, cả người sử dụng lao động và người lao động đều đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Tuy vậy, trong nguy có cơ. Tình trạng dư thừa lao động trong lĩnh vực sản xuất, khiến cho việc tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn. Tình trạng thiếu lao động có trình độ, tay nghề sẽ thúc đẩy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nguồn nhân lực tập trung nhiều hơn vào hoạt động đào tạo nghề.

Cuối cùng, điều quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động cần phải nhận diện cho được rủi ro và cơ hội để từ đó thích ứng linh hoạt, phát triển hiệu quả trong thời kỳ mới.

Dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị sụt giảm có thể hết đến hết quý I, sang cả quí II/2023. Riêng tháng 12-2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có hơn 660 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.700 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm hơn 15.700 lao động.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...