A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thầy giáo làng "xóa mù" năm ấy

Lớp chúng tôi ngày xưa giờ đã trưởng thành và bộn bề trên vạn nẻo đời nhưng những bài học thuở thiếu thời với thầy thì vẫn còn tươi trào cả một vùng ký ức

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một vùng bán sơn địa (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Mùa khô hạn hán và nắng gió quăng quật, mùa mưa thì bão lũ. Ngày xưa, cuộc sống người dân nơi đây nhiều khó khăn, thế hệ như chúng tôi thường ít học.

Lớp học xóa mù đặc biệt

Hồi chiến tranh, dân làng đi tản cư chạy giặc. Hòa bình lập lại (năm 1975), từ vùng tản cư về lại nhà xưa, nhà cửa cháy trơ trọi, làng mạc, ruộng đồng đổ nát, tiêu điều. Anh em tôi và lũ trẻ trong làng phần lớn chưa được học chữ.

Hưởng ứng "chiến dịch diệt giặc dốt" nên cả làng dựng một ngôi trường đầu tiên nằm trên triền đồi (gọi là trường học ngõ bà Nga), chỉ… một lớp học. Ngôi trường hoạt động hết công suất: Buổi sáng thì tụi trẻ con như chúng tôi từ 6 đến 12 tuổi học lớp một; buổi chiều các anh chị lớn hơn học lớp hai; buổi tối thì cha mẹ chúng tôi và các cô chú trong làng mỗi người xách theo một chiếc đèn đến học lớp "Xóa mù".

Thầy giáo làng xóa mù năm ấy - Ảnh 1.

Thầy giáo làng xóa mù năm ấy - Ảnh 2.

Thầy Lâm Thái Trinh được Hội Cựu Giáo chức tỉnh Quảng Ngãi tôn vinh vì sự nghiệp giáo dục. Nay thầy đã 90 tuổi và vẫn ngày ngày chăm hoa trong vườn nhà .(Ảnh do gia đình cung cấp)

Không biết ai đã đặt tên mà tự lúc nào trường có tên là trường "Xóa mù", từ đó mỗi ngày làng quê rộn ràng với "sự nghiệp xóa mù". Có một chuyện bi hài mà sau này thành giai thoại của làng là lúc bấy giờ có 2 anh dân quân canh cổng ở đầu làng giăng tấm băng rôn có câu "Xóa nạn mù chữ", ai đọc hay đánh vần được sẽ cho đi qua.

Vậy mà có những anh chị thanh niên xấu hổ vì không đánh vần được nên trễ việc hoặc bỏ lỡ buổi chợ đông. Trong làng, có bác Sáu cũng mù chữ nhưng ngại đến lớp "Xóa mù", khi qua cổng không biết ai bày mà bác đọc "Đánh bọn mù chữ"… Mọi người được trận cười nghiêng ngả và bác Sáu được cho qua cổng.

Năm lên lớp 2, tại ngôi trường này, chúng tôi được học một người thầy rất đặc biệt. Thầy là một thương binh, tên Lâm Thái Trinh. Lúc ấy thầy tầm hơn 50 tuổi. Lên lớp, thầy luôn mặc chiếc áo lính bạc màu, có dáng người tầm thước, giọng trầm ấm và đôi mắt trũng sâu.

Đầu năm học, thầy cho chúng tôi trồng trước sân trường những khóm hoa mười giờ và giao mỗi tổ chăm sóc mỗi khóm thật xinh xắn và ngay ngắn. Mỗi ngày đến trường, thầy cùng cả lớp đọc "Năm điều Bác Hồ dạy" và cùng hát một đoạn trong bài "Hành quân xa" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Ngày nào cũng vậy và luôn luôn như vậy. Sau này, chúng tôi mới được người lớn kể lại, thầy là con của một đại địa chủ nhưng giác ngộ cách mạng từ sớm, thầy bị đày đi tù ở Côn Đảo. Hòa bình, thầy về quê cày ruộng và tình nguyện xóa mù cho lũ trẻ chúng tôi. Có lẽ, với cốt cách của một người lính nên khi lên lớp, thầy luôn xem trọng tình yêu quê hương đất nước trong những tiết tập đọc, những bài giảng của thầy.

Lớp học của chúng tôi cũng khá đặc biệt, có một vài đứa đúng tuổi, còn phần lớn là quá lứa. Thậm chí có đứa 13, 14 tuổi mới được học lớp 2, vì trong chiến tranh lo chạy loạn, giữ mạng sống đã khó huống chi lo chuyện học chữ nên thời đó học trò có nhiều thiệt thòi.

Lớp chúng tôi chăm ngoan và học hành rất tiến bộ, không còn rụt rè nhút nhát như trước.

Uốn nét chữ, thẳng nết người

Có lẽ trong hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi cố gắng bội phần mới được như vậy, nhưng trên hết là nhờ công lao của thầy dạy bảo và uốn nắn từ những buổi học đầu. Thầy dạy chúng tôi đánh vần, tập viết: Viết một dòng, một khổ rồi đến một trang, thầy dạy chúng tôi những điều bình thường và giản dị như cách vệ sinh, chăm sóc bản thân; cách trồng tỉa, chăm sóc cây, mùa vụ… đến cách tránh rủi ro khi ra đồng, khi lên rẫy gặp phải bom mìn sau chiến tranh còn sót lại.

Thầy tôi như một người cha cần mẫn và tận tụy, thầy bảo rằng: "Các em mới học lớp 2 nhưng có người đã 13, 14 tuổi rồi, muốn mai này lớn lên thành danh thì trước hết phải nên người, phải sống ngay thẳng trước đã". Thầy luôn rèn giũa chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy tình yêu quê hương đất nước qua những bài thơ hay những câu chuyện thầy đã từng chiêm nghiệm, từng thấm đẫm trong cuộc đời binh nghiệp và cả những tháng ngày gian khổ của thầy ở chốn lao tù.

Có điều chúng tôi băn khoăn mãi sao lúc nào thầy cũng bảo: "Các em hãy nói thật to, hát thật to thầy mới chấm điểm cao". Có lần thằng Mạnh đã 14 tuổi, làm lớp trưởng, học rất khá nhưng tinh nghịch, thầy gọi lên bảng dò bài cũ, nó trả lời nhỏ nên thầy cho 0 điểm, tuy cả lớp vẫn nghe nó rất thuộc bài, đến giờ ra chơi nó nói thầy Trinh bị điếc. Chuyện đến tai thầy và thằng Mạnh bị ăn đòn.

Mấy hôm sau thằng Mạnh bỏ học, thầy sốt ruột... Và trong một buổi chiều, thầy cùng chúng tôi băng bộ qua bên kia đồi tìm nhà Mạnh, lúc này hàng xóm cho biết Mạnh đã theo gia đình đi kinh tế mới vào miền Nam. Hôm sau, thầy thông báo với cả lớp về trường hợp của Mạnh, thầy bảo Mạnh là học trò nghịch ngợm nhưng chăm học, không biết đến nơi ở mới có được đi học không, thầy rất buồn và chúng tôi cũng rất buồn…

Sang học kỳ 2 năm đó, thằng Pháp cùng thằng Long tắm ao bị đuối nước trên cánh đồng làng gần trường, không lâu sau thằng Hoàng cũng chết vì bị ngộ độc (uống nhầm rượu ngâm mã tiền); thầy tôi đổ bệnh cả tuần không đến lớp. Khi trở lại lớp, thầy bảo rằng: "Thầy buồn vì đã dạy các em nhiều điều và cách phòng tránh rủi ro bom mìn… mà chưa trang bị cho các em kỹ năng sinh tồn nên mới xảy ra sự đáng tiếc vừa rồi".

Chúng tôi đâu biết rằng thầy mình có vẻ ngoài cứng cỏi nhưng là người nhạy cảm, hay động lòng trắc ẩn trước những cảnh oan khiên hay là những bất trắc xảy ra với học trò của mình…

Thầy của tôi là thầy giáo làng nhưng vốn sống uyên thâm, sự trải nghiệm dày dạn và tình yêu học trò thì vô bờ bến. Mỗi lần có dịp về thăm, tôi vẫn thấy thầy cần mẫn trồng tỉa trên những mảnh ruộng như cách thầy gieo vào tuổi thơ chúng tôi những con chữ, những bài học đầu đời và bài học làm người giá trị suốt đời… 

Sau này, chúng tôi mới biết…

Khi chúng tôi lên lớp 4 thì trường Xóa mù cũng đã hoàn thành sứ mệnh và được chuyển công năng thành một phân hiệu thuộc trường tiểu học trong thôn. Thầy tôi cũng không còn dạy học nữa, lui về vui với cuộc sống ruộng vườn.

Sau này, chúng tôi mới biết thầy của mình ngày đó bảo học trò nói và hát thật to bởi thầy bị nặng tai vì những năm tháng tù đày, bị địch tra tấn, bị đổ nước vôi nên di chứng ảnh hưởng nặng nề. Trong cơ thể thầy còn nhiều mảnh đạn nên mỗi khi trở trời, thầy đau nhức không lên lớp được. Thầy có thừa nhiệt huyết nhưng sức khỏe không cho phép thầy tiếp tục đứng lớp chắp cánh ước mơ cho bao lớp trẻ đến sau…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...