A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần người lao động

Cùng với đảm bảo việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần là yếu tố quan trọng tạo động lực để đội ngũ công nhân lao động tích cực lao động, sản xuất. Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm dành nguồn lực, đầu tư xây dựng, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người lao động.

* Quan tâm đầu tư, xây dựng nhiều thiết chế

Các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, thể thao. Đây cũng là địa chỉ để người lao động hoạt động sáng tạo, tập luyện thể thao, hưởng thụ văn hóa…

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương, hiện nay trong cả nước, hệ thống Công đoàn có 51 thiết chế văn hóa, thể thao như các cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, trung tâm văn hóa lao động, nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp hoặc nhà văn hóa lao động quận, huyện, khu công nghệ cao. Các thiết chế văn hóa cơ bản thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, nổi bật là các hoạt động trong chương trình Tháng Công nhân, Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân, Phiên chợ nghĩa tình, các hoạt động văn hóa, thể thao, câu lạc bộ sở thích và lớp năng khiếu, đồng thời bồi dưỡng các hạt nhân cho phong trào văn hóa, thể thao.

Đồng Nai là địa phương phát triển sản xuất công nghiệp, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có 36 khu công nghiệp tập trung đã được phê duyệt, trong đó có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút số lượng lớn lao động. Đến nay, ở cấp tỉnh, Đồng Nai đã có nhiều thiết chế văn hóa, thể thao như trung tâm tổ chức hội nghị và sự kiện, trung tâm văn hóa - điện ảnh, sân vận động, thư viện, bảo tàng, nhà hát, nhà thiếu nhi. Trên địa bàn tỉnh có 100% huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; 152/170 xã phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng; 862/925 ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao.

Nhìn chung, các thiết chế văn hóa, thể thao tại tỉnh đã được nâng cấp và xây mới, hầu hết đạt chuẩn theo quy định, được trang bị các thiết bị để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ công nhân lao động và nhân dân. Đồng Nai cũng đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm, quy mô lớn và vừa tại trung tâm thành phố, huyện, khu công nghiệp. Các cấp chính quyền, đoàn thể ưu tiên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở. Tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa khu dân cư, văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh còn có các thiết chế văn hóa, thể thao do một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý như: Khu sinh hoạt văn hóa, thể thao (Công ty Pousung), phòng sinh hoạt chung (Công ty Taekwang) hoặc khu giải trí cho công nhân (Công ty Poucheng), sân bóng đá (Công ty Mabuchi)...

Từ góc độ người lao động và đại diện tổ chức Công đoàn ở cơ sở, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Changshin Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất giày thể thao Nike, đóng tại tỉnh Đồng Nai) cho biết: Được động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần sẽ giúp người lao động yên tâm làm việc. Do đó, cùng với đảm bảo thu nhập, việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần luôn được Công đoàn, doanh nghiệp và các cấp chính quyền, đoàn thể của địa phương có doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Thời gian qua, nhiều hoạt động như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co, hát karaoke, thi nấu ăn, tìm hiểu pháp luật được tổ chức, giúp 38.500 người lao động của Công ty gắn bó, tăng động lực làm việc đạt năng suất cao.

Cùng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương hiện có trên 1,3 triệu lao động. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Bùi Hữu Toàn, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao công lập tại tỉnh được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Ngoài ra, các khu công nghiệp, doanh nghiệp xây dựng nhiều công trình như Nhà hát sân khấu ngoài trời, cụm sân bóng đá của Khu Công nghiệp Mỹ Phước hoặc các trung tâm văn hóa, nhà thi đấu đa năng, sân thể thao do Công ty Becamex, Công ty Cao su Dầu Tiếng, Công ty Cao su Phước Hòa, Công ty Cấp thoát nước và Môi trường, Công ty xe lửa Dĩ An... xây dựng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của công nhân và người dân trên địa bàn.

*Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động

Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao là một trong những giải pháp nền tảng góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, trong đó có công nhân lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân còn thiếu so với nhu cầu. Một số nhà văn hóa lao động đã xuống cấp, trang thiết bị, thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực còn “mỏng” hoặc năng lực hạn chế.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương cho biết, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có, Tổng Liên đoàn chỉ đạo các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tạo điều kiện để các nhà văn hóa lao động thực hiện tốt các nhiệm vụ, thu hút nhiều hơn người lao động đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa.

Đồng thời, Công đoàn các cấp đẩy mạnh xây dựng các thiết chế Công đoàn, trong đó có hạng mục thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thuộc các thiết chế ông đoàn nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu của công nhân, viên chức, người lao động sinh sống tại các khu thiết chế công đoàn. Ví dụ tại Khu thiết chế Công đoàn ở tỉnh Hà Nam có khu nhà đa năng, sân thể thao. Tại khu thiết thế Công đoàn ở tỉnh Tiền Giang, thiết chế văn hóa, thể thao được hoàn thiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người lao động trong Khu công nghiệp Mỹ Tho.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đến năm 2025, ở cấp tỉnh, Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ người dân và công nhân lao động. Trong đó, 100% khu công nghiệp thành lập mới tại Bình Dương có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; tối thiểu 40% khu công nghiệp xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Bình Dương cũng đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa công nhân lao động (do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý) ở những địa bàn có đông công nhân. Đồng thời, tỉnh thu hút đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập như sân bóng đá, bảo tàng tư nhân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, tập luyện thể thao của người dân, công nhân lao động, đồng thời tăng điểm nhấn cho không gian kiến trúc đô thị Bình Dương.

Đại diện tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp và xây mới, hầu hết đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Song, hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có thiết chế văn hóa, thể thao dành cho công nhân; chỉ có Công đoàn Khu Công nghiệp Biên Hòa có Nhà sinh hoạt văn hóa, thể thao và thường xuyên tổ chức các hoạt động cho công nhân các khu công nghiệp thuộc khu vực thành phố Biên Hòa. Các khu, cụm công nghiệp đã hoạt động, quỹ đất không còn để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao dành riêng cho công nhân lao động. Do đó, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động dành cho công nhân lao động.

UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể cho địa phương thực hiện công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết cơ sở vật chất, khai thác hiệu quả hơn cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Tỉnh cũng mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện xây dựng thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom. Các đơn vị chức năng hướng dẫn, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong công nhân lao động như: nhân rộng các mô hình “Câu lạc bộ thể thao công nhân”, “Đội văn nghệ công nhân lao động”.../.

Thanh Trà


Tác giả: Trần Thị Thanh Trà
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết