Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít. Xung quanh đề xuất này, Báo NLĐO đã có nhiều bài viết "Ồ ạt rút BHXH một lần: Cái người lao động cần thì không sửa" và nhận được nhiều ý kiến đồng tình của số đông bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện chính sách, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Bạn đọc Lê Ngọc bày tỏ: "Cảm ơn Báo Người Lao Động đã phản ánh đúng thực trạng nói lên tiếng lòng của người lao động vất vả". Tương tự, bạn đọc Hà Văn Tiến góp ý: "Bao nhiêu năm đọc báo mới thấy bài này rất thiết thực rất đúng với tâm ý người đọc. Theo tôi nên giảm tuổi hưu cho cả nam với nữ vì sự bình đẳng giới, và mức hưởng theo thời gian đóng 10 năm, 15 năm, 20 năm 30 năm để tính phần trăm hưởng".
Theo bạn đọc Phạm Thanh, chính những bất cập của chính sách hiện BHXH hiện hành đã khiến người lao động rút BHXH 1 lần. "Việc xây dựng luật theo kiểu áp đặt khiến NLĐ lòng tin, đời sống thêm vất vả. Cứ đem so sánh với nước ngoài nhưng không có biết đời sống người lao động Việt nam khi già thế nào. Tôi đã đóng 37 năm BHXH, 56 tuổi mất việc mà ngồi chờ đến 62 tuổi quá dài"- bạn đọc Phạm Thanh, nói. Cùng góc nhìn, bạn đọc Võ Tuấn Hải góp ý: "Mỗi lần sửa luật BHXH là một lần NLĐ bất an, lần này cũng không ngoại lệ. Theo phát biểu của lãnh đạo LĐ-TB-XH thì dựa trên tiêu chí giảm năm đóng để tạo điều kiện cho những người tham gia chưa đủ năm được hưởng chính sách lương hưu, nhưng thực chất là hạn chế quyền rút BHXH 1 lần của NLĐ. Thử hỏi có ai 45 hay 47 tuổi mới đi làm và tham gia BHXH không Còn những ai bị sa thải khi làm được 10 - 15 năm thì họ lấy gì sống để chờ tuổi hưu. Cứ tuyên truyền rằng rút 1 lần thì rất thiệt thòi, vì rút được rất ít so với đóng vào, nhưng lại lo vỡ quỹ vì NLĐ rút 1 lần nhiều, sao mâu thuẫn quá vậy. Trước đây cũng vì sửa luật không cho rút 1 lần mà NLĐ các KCN đã đình công, sao các vị không rút kinh nghiệm mà vẫn duy ý chí?"- bạn đọc này bức xúc.
Một bạn đọc tên Liêm thẳng thắn nói lên quan điểm: "Mục đích của sửa đổi luật BHXH là khuyến khích NLĐ tham gia đóng BHXH ngày càng nhiều để về già được hưởng lương hưu, hạn chế rút BHXH một lần nhưng những gì Bộ LĐ-TB-XH đang đề xuất chỉnh sửa thì ngược lại". Tương tự, bạn đọc Trần Bá Sỹ nhận xét: "Ý kiến người lao động quá cụ thể rồi, mong Bộ LĐ-TB-XH, người làm chính sách thấu hiểu và đưa giải pháp chính sách cải cách bảo hiểm trình Quốc hội vào năm 2023 một cách hợp lý, hợp lòng dân.
Theo bạn đọc Hùng Nguyễn, cần xem xét lại tuổi nghỉ hưu bởi đó là vấn đề chính mà NLĐ trăn trở. Còn 62 mới được nghỉ hưu để hưởng đủ 75% thì nên dành cho các cán bộ, công chức nhà nước thôi. NLĐ làm ngoài thì không thể, kể cả giáo viên cũng không có ai 60 tuổi đứng lớp cả. Nên để đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng đủ 20 năm là được hưởng lương hưu, không căn cứ tuổi là hợp lý nhất?". Một bạn đọc giấu tên nêu ví dụ: ?Sức tôi chạy chỉ được 100m thì 100m tôi nghỉ, chạy theo anh 200m để tôi chết à?. Anh nào sức tốt thi cứ mà chạy 200m. Sao anh lại bắt tôi phải chạy 200m theo 1 anh to khỏe một cách vô lý vậy? Cái BHXH cần tạo điều kiện là đây chứ không phải rút ngắn thời gian đóng. Cho dù đóng 3 hay 5 năm thì người lao động vẫn rút 1 lần vì thời gian chờ lĩnh lương hưu quá xa. Chã có bao nhiêu người 45, 50 tuổi có nhu cầu đóng BHXH để nhận lương hưu, có bao nhiêu công ty tuyển lao động trên 45 tuổi????". Theo nhiều bạn đọc, vấn đề Ban soạn thảo cần nghiên cứu là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, đóng bao nhiêu năm BHXH thì được hưởng bấy nhiêu năm lương hưu. Khi đã đóng BHXH đủ mức có lương hưu thì người lao động có quyền được nhận lương hưu nếu cần. 60 và 62 tuổi lĩnh lương hưu chỉ nên áp dụng với đối tượng hưởng lương ngân sách nhà nước.
Già chờ hưu, trẻ thiếu việc
Một bạn đọc tên Tuấn bày tỏ: "Vòng vo sửa thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống thì không thể giải quyết giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Cứ để độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì còn em chúng ta khi học xong đại học ;thạc sĩ thì cũng khó mà có việc làm trong lĩnh vực nhà nước vì mấy người chưa đủ tuổi 60, 62 làm sao về hưu? Sao mà có chỗ để thể hệ trẻ mới ra trường thay thế?" Với bạn đọc Ngô Thị Hằng, nên bãi bỏ được quy định đủ tuổi mới được nghỉ hưu, thay vào đó là đủ số năm thì chắc chắn không ai rút BHXH 1 lần đâu. Tính ra 18 năm đi làm bắt đầu đóng bảo hiểm. Đến 38 tuổi đủ 20 năm đóng BHXH. Nhưng vì chưa đủ tuổi mà phải chờ thêm 24 năm. Quá bất công cho người lao động.