A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhanh chóng rà soát thiệt hại, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai

* Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương rà soát đánh giá, thống kê thiệt hại do bão số 3 gây ra để đề xuất hỗ trợ phù hợp nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ gia đình, đối tượng bị thiệt hại nặng về người, tài sản, có chính sách hỗ trợ.

Ông đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Tài chính với các ngành liên quan và các địa phương thống kê các thiệt hại liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Sở kiểm tra các trọng điểm xung yếu, theo dõi sát mực nước tại ở triền sông, rà soát các tuyến đê, công trình thủy lợi để phát hiện sự cố, xử lý kịp thời. Đồng thời, xử lý triệt để sự cố sạt trượt mái đê sông Ngũ Huyện Khê (huyện Yên Phong, Tiên Du), báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định; chỉ đạo các Công ty thủy nông sẵn sàng tiêu úng khi úng, ngập xảy ra.

Đến cuối ngày 8/9, Bắc Ninh có 9.601 ha lúa bị đổ, úng ngập; diện tích cây rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh bị thiệt hại là 2.293 ha. Tổng số nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng là 180.981m2, tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng là 129 lồng. Toàn tỉnh có 151/487 máy bơm đang hoạt động bơm tiêu và tiêu nước đệm theo quy trình. Các trạm bơm tiêu khu vực thị xã Thuận Thành hiện tại không hoạt động được do mất điện.

Trên bờ hữu Ngũ Huyện Khê bị sụt lún, nứt gãy mặt đê thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Hiện sự cố đang được UBND huyện Tiên Du theo dõi diễn biến và lên phương án xử lý khắc phục sự cố tạm thời.

Trên bờ tả Ngũ Huyện Khê ở xã Long Châu, huyện Yên Phong bị lún, sụt và sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 25m và đang có dấu hiệu phát triển thêm. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh đã phối hợp với UBND huyện Yên Phong, Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống trực tiếp kiểm tra và lên phương án xử lý tạm thời bằng giải pháp đắp bao tải đất chống sạt trượt, cắm biển cảnh báo, canh gác không người dân đi lại...

UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 6 Đoàn kiểm tra việc ứng phó với thiên tai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra ứng phó và xử lý khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời yêu cầu các đơn vị thuộc Sở, Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống trực để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai do bão gây ra, thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi và tình hình tiêu úng của các trạm bơm.


* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, từ ngày 5-8/9, tại tỉnh đã có gần 1.500 ha lúa Hè Thu bị đổ ngã, ngập úng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3; mức độ thiệt hại từ 30% đến hơn 70%, tập trung ở các huyện Châu Thành, Vĩnh Thuận, Kiên Lương, Hòn Đất.

Các đơn vị lực lượng vũ trang đã hỗ trợ, giúp nông dân thu hoạch nhanh diện tích lúa chín bị đổ ngã, ngập úng nhằm giảm thiểu thiệt hại. Các địa phương cùng với nông dân khơi thông kênh rạch tiêu thoát nước, gia cố, bồi trúc đê bao bảo vệ sản xuất an toàn, nhất là lúa Hè Thu và Thu Đông.


Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã chủ động mở các cống trên địa bàn và phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành mở tất cả cửa cống hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô để tiêu thoát nước, chống ngập úng tại những khu vực trũng thấp.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, trong tháng 8/2024, dông, lốc đã làm đổ sập 13 nhà ở, tốc mái 50 căn nhà tại các huyện Hòn Đất, Châu Thành, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, Giang Thành, Kiên Lương, Tân Hiệp, Gò Quao, U Minh Thượng... Sóng to, gió lớn làm chìm 2 tàu cá và 1 sà lan vận chuyển vật liệu xây dựng trên vùng biển Kiên Giang... Ước tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 2 tỷ đồng.

Tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả. Các địa phương rà soát phương án phòng, chống, ứng phó với thiên tai phù hợp với thực tế. Ngành chức năng, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến thời tiết sau bão số 3, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.../.

Đỗ Huyền - Lê Huy Hải


Tác giả: Hà Thị Thanh Giang
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết