Năm 2022: Kiên trì mục tiêu nâng chất lượng giáo dục
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định 2022 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thử thách; giáo viên, học sinh nỗ lực hơn nữa để kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đồng thời ứng phó và thích nghi an toàn trước dịch bệnh
. Phóng viên: Nhìn lại năm 2021 - năm có thể coi là vô vàn khó khăn và thách thức của ngành giáo dục, bộ trưởng có thể khái quát về những việc đã làm được trong điều kiện dịch bệnh suốt nhiều tháng?
- Bộ trưởng NGUYỄN KIM SƠN: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường khiến ngành giáo dục vừa phải hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm học vừa phải triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến ngành. Nói một cách chủ quan, tôi cho rằng các nhiệm vụ cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra, bảo đảm những yêu cầu về chất lượng giảng dạy và học tập. Ngành giáo dục đã triển khai linh hoạt, đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch bệnh, chủ động các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp...
Chúng tôi cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Rất nhiều thầy cô giáo đã chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, tích cực phối hợp hiệu quả với gia đình và học sinh để thực hiện tốt nhiệm vụ. Những thành quả đáng ghi nhận đó là sự nỗ lực của từng học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ; sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành của các bậc phụ huynh và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và trong một năm khó khăn của ngành giáo dục nói riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (bìa phải) trao đổi với thầy cô giáo và học sinh tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: DUNG BÙI)
- Chúng tôi tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó ưu tiên triển khai một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo ứng phó với dịch Covid-19, củng cố chất lượng, khắc phục các tác động của dịch bệnh đối với ngành giáo dục. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; rà soát Luật Giáo dục đại học.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11. Tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 bảo đảm ổn định, phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới giáo dục ĐH.
Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục ĐH; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt.
Tiếp tục triển khai thực hiện tự chủ ĐH, tăng cường giải pháp phát triển khoa học - công nghệ; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện bảo đảm và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.
. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cũng là mong mỏi của rất nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bộ sẽ làm gì để ngăn ngừa những vi phạm, tiêu cực trong giáo dục?
- Ngành giáo dục sẽ quan tâm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập cho các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên.
Một việc nữa là trong năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.
. Bộ trưởng có kỳ vọng gì đối với ngành giáo dục trong năm mới Nhâm Dần?
- Điều kỳ vọng, mong mỏi lớn nhất của tôi và cũng là của toàn ngành ở thời điểm này là dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để học sinh sớm trở lại trường học, các hoạt động giáo dục sớm trở lại bình thường.
2022 là một năm có nhiều nhiệm vụ đặt ra với ngành và sẽ tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thử thách. Tôi mong rằng các thầy cô giáo và học sinh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đồng thời ứng phó và thích nghi an toàn trước dịch bệnh.
Còn nhiều việc phải làm
Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay năm 2021 vẫn còn không ít hạn chế cần phải khắc phục. Theo đó, công tác xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao vẫn còn những bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa bám sát điều kiện và khả năng thực hiện. Một số hướng dẫn triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến; việc học trực tuyến, truyền hình đối với học sinh tiểu học - nhất là lớp 1, lớp 2 - gặp nhiều khó khăn. Vấn đề tự chủ đại học còn chưa thống nhất và đồng bộ, dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng.
"Không ít việc ngành giáo dục mong muốn làm nhưng do điều kiện khách quan nên chưa làm được hoặc kết quả chưa như kỳ vọng. Bên cạnh đó là những nhiệm vụ lâu dài, không thể giải quyết trong một năm. Vì vậy, ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm trong năm 2022 và những năm tiếp theo" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận.