Lao động trẻ ngày càng chủ động về sự nghiệp
Kỳ vọng cơ hội phát triển bản thân cũng như sở hữu tư duy làm chủ là những ưu thế vượt trội của lao động trẻ ngày nay khi bước chân vào thị trường lao độn
Sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên bùng nổ của internet, của nền kinh tế số nhưng khi chớm trưởng thành thì đã gặp ngay cú sốc mang tên Covid-19, nhiều lao động trẻ thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1997) có đủ cơ sở để suy nghĩ về các mục tiêu tài chính và công việc khác với thế hệ trước. Thế hệ lao động trẻ này có lợi thế là biết các thế hệ trước đã trải qua những gì nên họ trở nên "khôn ngoan" khi đưa ra các quyết định về sự nghiệp của mình. Đó cũng là xu hướng rõ rệt trong tìm việc, chọn việc và định hướng phát triển bản thân của họ.
Sống chủ động
"Tôi muốn về hưu sớm nhất có thể" - Thiện An, một TikToker có lượng người theo dõi khá lớn khi chuyên "review" và bán các sản phẩm thương hiệu thời trang nữ cho giới trẻ, bày tỏ. Mới 20 tuổi và đang là sinh viên nhưng An đã tự chủ về tài chính, sống độc lập mà không cần gia đình chu cấp ngay từ năm nhất đại học.
Nhiều lao động trẻ yêu thích công việc linh hoạt, chủ động và có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu họ muốn
Khi làm quen với TikTok, An nhận thấy khả năng kiếm tiền từ nền tảng này. Công việc làm thêm này không chỉ chủ động về mặt thời gian, không ảnh hưởng đến việc học mà An còn giúp nhiều bạn có việc làm thêm để trang trải chi phí. Vừa học vừa kinh doanh là một trải nghiệm đáng giá cho định hướng sự nghiệp của bạn trẻ này. An cho biết vì không còn quá lo lắng về tài chính, anh sẽ đầu tư cho dự án khởi nghiệp về mảng truyền thông của mình ngay khi tốt nghiệp đại học.
"Học tập rất quan trọng khi kiến thức luôn vô hạn nhưng đi làm trong quá trình đi học là cách để làm giàu kiến thức một cách thực tế hơn. Thời gian sẽ trôi qua nhanh lắm nên nếu bây giờ không chủ động tận dụng nó thì e rằng mất đi nhiều cơ hội trong tương lai" - An nhìn nhận.
Đang "về hưu" ở tuổi 25, Vũ Lê Đức Phú (quê Lâm Đồng) bỏ dở công việc lập trình của mình để trở thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Với 5 năm làm việc cho một doanh nghiệp (DN) nước ngoài chuyên về lập trình kể từ ngày đến TP HCM học đại học, Phú đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.
Vừa đi làm vừa tập tành đầu tư chứng khoán, trái phiếu và bất động sản, Phú đã có "thâm niên" 3 năm làm nhà đầu tư. Từ đầu năm 2022, Phú xin nghỉ hẳn công việc toàn thời gian để tập trung cho các lĩnh vực đầu tư của mình. Phúc cho biết cuộc sống hiện tại khá thoải mái, chủ động và tự do làm những gì anh muốn.
Ở Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn, những bạn trẻ như Thiện An, Đức Phú ngày càng nhiều. Họ chính là đại diện cho một thế hệ sống chủ động với tương lai của mình.
Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện năm 2018 cho thấy 58% sinh viên sẵn sàng làm thêm giờ vào cuối tuần, 77% đang làm tự do hoặc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập, trong khi 35% cho biết đã hoặc sắp bước chân vào con đường khởi nghiệp.
Một khảo sát khác được thực hiện mới đây với 4.500 thanh thiếu niên khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, cho thấy những người trẻ thuộc thế hệ Z dành phần lớn thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Trong đó, 76% cho biết họ chủ yếu chi tiêu cho các nhu cầu của bản thân, 66% có tiết kiệm một phần thu nhập. Có đến 88% cho biết tiết kiệm cho tương lai là rất quan trọng; 85% mong muốn tiếp cận kiến thức về tài chính và 65% đã đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu hoặc những hình thức đầu tư khác.
Cân bằng thu nhập và công việc
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, thế hệ Z đang "chiếm lĩnh" lực lượng lao động tại các tổ chức, công ty, nhất là DN trẻ, DN khởi nghiệp. Thế hệ lao động trẻ này luôn kỳ vọng được làm việc trong lĩnh vực quen thuộc ở cuộc sống thường nhật. Môi trường nào cho họ nhiều sáng kiến, tôn trọng họ, kèm theo sự ổn định và an toàn trong công việc thì họ sẽ cực kỳ gắn bó với nơi đó.
Đáng chú ý, thế hệ lao động trẻ này không chỉ làm việc vì chất lượng của sản phẩm, của dịch vụ mà tổ chức mang lại cho khách hàng. Họ còn xem xét những giá trị đạo đức, tính thực tiễn và giá trị cho cộng đồng mà tổ chức đó mang lại.
Bà Vũ Thị Anh Thơ, Giám đốc điều hành CLB Nhân sự Việt Nam (VNHR), cho rằng lao động trẻ ngày nay có xu hướng ưu tiên chọn cân bằng giữa thu nhập và công việc. Mặc dù thu nhập là yếu tố để họ đưa ra quyết định làm hay không làm một công việc nào đó nhưng so với các thế hệ trước, thế hệ Z ít coi trọng thu nhập hơn. Nếu cho chọn giữa công việc có lương thưởng tốt nhưng không khiến họ hứng thú và công việc mang lại sự hứng thú nhưng thu nhập không quá cao thì họ vẫn cân nhắc xem đây là 2 cơ hội có tỉ trọng như nhau.
Ông Phạm Như Hợp, phụ trách tuyển dụng và truyền thông Công ty CP Công nghệ Xelex (quận 7, TP HCM), cho biết những lần tham gia ngày hội tuyển dụng tại các trường đại học, ông nhận thấy sinh viên bây giờ khác xưa rất nhiều. Không chỉ giỏi về chuyên môn, sử dụng thành thạo công nghệ, họ còn rất tự tin, tìm hiểu kỹ công ty và không e ngại khi ứng tuyển trái ngành.
"Điều đặc biệt tôi nhận thấy là các sinh viên ngày nay rất năng động, chủ động và nhiều người đi làm thêm rất sớm. Họ thích ứng rất nhanh, ham học hỏi và rất cầu tiến. Họ cũng đưa ra nhiều câu hỏi "gắt" hơn cho nhà tuyển dụng, như cơ hội thăng tiến, khả năng tăng thu nhập và các chế độ phúc lợi… Đó là những đặc điểm nổi trội, cho thấy họ rất chủ động tìm việc và phát triển sự nghiệp" - ông Hợp nhận định.
Công dân công nghệ
"Lao động trẻ hiện nay làm việc không thể tách rời với công nghệ. Họ thường yêu cầu quyền truy cập vào những giải pháp công nghệ và thiết bị hiện đại để hoàn thành công việc của mình. Họ thích ứng rất nhanh với các ứng dụng mới trong thế giới công nghệ. Họ cũng thường xuyên kết nối và cập nhật nhanh trên các mạng xã hội. Có thể thấy họ là những công dân công nghệ và đó là cơ hội cho các DN thúc đẩy chuyển đổi số" - bà Vũ Thị Anh Thơ nhìn nhận.