Lấn kênh, chiếm rạch ở TP HCM (*): Xóa bức tranh xấu xí
Tái định cư cho người dân, tuân thủ quy định bảo vệ hành lang kênh rạch, tăng cường nạo vét... thì bức tranh về hệ thống kênh rạch của TP HCM sẽ nhiều sắc màu tươi sán
Để giữ lại và khôi phục những dòng kênh, con rạch đang hoặc sẽ bị mất đi, nhiều chuyên gia đã đưa ra giải pháp tâm huyết.
Nâng chất lượng sống, giải bài toán ngập
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho hay hướng thoát nước của TP HCM phần lớn đổ về hướng Nam và một phần đổ về hướng Đông. Quy luật này phải luôn là ưu tiên hàng đầu trong tính toán xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, chính quyền chưa xem trọng việc mở kênh rạch phục vụ cho tương lai mà ngược lại nhiều kênh rạch, ao hồ bị san lấp.
Số liệu thống kê từ năm 2016 đã chỉ ra diện tích ao hồ, kênh rạch bị san lấp là khoảng 22 triệu m2 (tương đương 30% diện tích nước mặt của thành phố). Điều này cùng với hệ thống kênh rạch hiện hữu chưa được khai thông, nạo vét thường xuyên dẫn đến tình trạng ngập kéo dài mỗi khi mưa lớn. Vài năm trở lại đây, khi chính quyền tập trung đẩy mạnh công tác nạo vét, khai thông thì tình trạng ngập mới giảm.
Từng là “điểm đen” về môi trường, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Hàng Bàng đã “khoác áo mới” nhờ sự quan tâm, đầu tư phù hợp. Ảnh HOÀNG TRIỀU
Theo TS Phạm Viết Thuận, với việc gia tăng dân số mỗi năm, quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn thì việc làm sống lại vai trò của hệ thống kênh rạch, mương đào cực kỳ quan trọng, nó không chỉ giải quyết bài toán ngập trong tương lai mà còn nâng cao chất lượng môi trường, đời sống của người dân.
"Có 3 giải pháp chính quyền có thể thực hiện ngay. Thứ nhất, tăng cường nạo vét, khai thông kênh rạch, giao về các địa phương tích cực vận hành bằng nguồn vốn thành phố rót xuống. Thứ hai, khảo sát, có kế hoạch ưu tiên phục hồi những kênh rạch bị san lấp, dù tốn kinh phí nhưng cũng phải thực hiện. Thứ ba, với những khu dân cư vẫn còn ngập sau khi thực hiện 2 giải pháp trên thì tiến hành xây dựng hồ sinh thái diện tích lớn nhằm điều tiết nước cho khu vực" - viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM nói.
Nghiêm ngặt và chuyên nghiệp hơn
Nhận định rằng dẫu hơi muộn nhưng TP HCM đã có sự thay đổi nhận thức về vai trò của kênh, rạch trong thời gian gần đây, ông Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu - ĐHQG TP HCM, dẫn chứng các hành lang bảo vệ kênh rạch đã được tuân thủ nghiêm ngặt hơn, không còn tình trạng cấp phép xây dựng bừa bãi. Theo ông, tình trạng lấn chiếm kênh rạch trong những năm gần đây giảm hẳn và tiến tới sẽ kiểm soát được. Từ việc kiểm soát ấy, thành phố phải khôi phục lại những kênh rạch cũ. Điều này rất khó khăn nhưng cũng có 1 số nơi đã làm được, điển hình như ở kênh Hàng Bàng.
Ông Phi cho rằng chính quyền địa phương không được để xảy ra tình trạng lấn chiếm đến mức không kiểm soát và chỉ cần tuân thủ đúng quy định bảo vệ hành lang kênh rạch thì hệ thống kênh rạch của thành phố sẽ tốt. "Hành lang bảo vệ kênh rạch và các quy định liên quan được ban hành lâu rồi, cần áp dụng những quy định này một cách thực sự có hiệu quả chứ không phải trên giấy tờ. Rồi từ đó, từng bước mình sẽ có những giải pháp về công trình đi sau…" - chuyên gia này nhấn mạnh.
Đề cập tới khả năng lấp kênh rạch và thay bằng cống hộp, ông Hồ Long Phi nói về bản chất cống không thể thay thế hoàn toàn kênh rạch mà chỉ nên là thành phần bổ trợ. Bởi nếu lấp kênh thì phải thay bằng hệ thống cống cực lớn trong khi kênh rạch thích nghi tốt hơn, có thể nạo vét, mở rộng và xử lý theo hướng có lợi.
Ở hướng tiếp cận khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng muốn lòng kênh rạch không là nơi xả rác bừa bãi cũng như chứa rác tồn ứ, mỗi địa phương cần có lực lượng chuyên nghiệp bảo vệ hệ thống kênh rạch vì đây là lực lượng gần cơ sở nhất. Lực lượng này ngoài việc tuần tra, xử phạt các trường hợp lấn chiếm, vứt rác vừa bãi xuống kênh, ngăn dòng chảy còn phải gắn biển báo tuyên truyền và lắp đặt thùng rác dọc bờ kênh.
Muốn kênh rạch sạch đẹp, thông thoáng chỉ còn cách giải tỏa, tái định cư cho người dân. Việc này cần nguồn kinh phí lớn từ nhà nước như dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng đổi lại, nó mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất cao.
"Với những dự án giải tỏa nhà ven kênh rạch sắp hoặc có ý định triển khai, để bù đắp một phần kinh phí cho ngân sách thì quá trình giải tỏa hai bờ kênh sẽ có những quỹ đất công do nhà nước quản lý. Thành phố nên đấu giá quỹ đất này để có thêm nguồn kinh phí" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.
Thêm không gian cho nước
Nói thêm về câu chuyện ngập nước trong thành phố, ông Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu, nói chính quyền cần làm 3 việc.
Đầu tiên là tích cực bổ sung các hệ thống thoát nước để bước đầu thay thế cho những kênh, rạch bị lấn chiếm. Tiếp đó, những tuyến kênh, rạch bị lấn chiếm có thể khôi phục được thì phải tìm cách khôi phục và giữ gìn. Cuối cùng, phải tạo thêm những không gian khác cho nước bằng việc phát triển hệ thống cống mới song song với tối đa hóa hiệu quả hệ thống kênh rạch cũ.
15 phút mỗi tuần
Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, quận đã hoàn thành nạo vét, kiên cố hóa 18 tuyến kênh rạch với tổng chiều dài 19,1 km và đầu tư 29,8 km đường dọc rạch. Ngoài ra, đã nạo vét 27 tuyến kênh rạch với chiều dài 15,8 km, song song đó có 34 tuyến mương, rạch nhỏ được nạo vét trong các năm từ 2020 đến 2022.
Theo ông Phúc, khi đặt quyết tâm khai thông, làm sạch những tuyến kênh rạch, quận yêu cầu các phường rà soát, báo cáo thực trạng kênh rạch trên địa bàn. Sau đó, quận tổng hợp và chia nhóm, tùy theo cấp quản lý những tuyến kênh mà gửi đến các cấp quản lý để đề xuất duy tu, nạo vét.
Rạch Rỗng Tùng, phường Thạnh Xuân, quận 12 được người dân và chính quyền chung tay chăm chút. Ảnh HẢI PHONG
"Khi thực hiện nạo vét, cải tạo, chúng tôi vận động người dân hiến đất để bê-tông hóa các tuyến đường hai bên kênh rạch, trồng hoa và cây xanh để tạo mỹ quan. Rất nhiều kênh rạch sau khi nạo vét, cải tạo đã mang lại diện mạo mới, sức sống mới, trở thành nơi vui chơi, tập thể dục cho người dân địa phương. Nhờ vậy, người dân đồng lòng, chung sức bảo vệ, ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi tại những dòng chảy nơi mình sống" - ông Phúc cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND quận 12, sau khi cải tạo, quận tổ chức hẳn một lực lượng để giữ gìn, bảo dưỡng lòng kênh gồm tổ nhân dân khu phố, UBND phường và cán bộ quận cùng người dân khu vực. Việc phát động "mỗi tuần dành 15 phút để làm sạch lòng kênh" được tiến hành song song, nhờ vậy rác tồn ứ, lục bình... đều được vớt sạch sẽ.
"Thấy đoạn kênh sạch đẹp, không còn mùi hôi như trước nên người dân vui vẻ, tình nguyện dọn dẹp, bảo vệ và kêu gọi cùng nhau quản lý, không để phát sinh ụ rác, từ đó tạo cảnh quan và môi trường sống rất tốt. Công việc này trở thành việc thường xuyên, duy trì 3 năm nay mà địa phương không tốn bất kỳ chi phí gì" - ông Phúc cho hay.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8