A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lắng nghe người dân hiến kế: Loạt giải pháp đưa TP HCM thành siêu đô thị

Để triển khai được một loạt giải pháp (nêu trong bài), cần có Ban Chỉ đạo phát triển đột phá TP HCM với quy chế tổ chức, có nguồn lực khả thi và hoạt động hiệu quả

Để trở thành siêu thành phố phát triển hùng cường, thịnh vượng và bền vững với chất lượng sống không ngừng được nâng cao trong tương lai, ngay từ bây giờ TP HCM phải kiến tạo sự phát triển đồng bộ ở tất cả các quận, huyện, thành phố trực thuộc; các đối tượng, thành phần kinh tế xã hội đang sinh sống và làm việc tại thành phố.

Phương châm phát triển

Chiến lược của TP HCM đến năm 2030 là tiếp cận mọi cơ hội từ trong nước đến quốc tế, tối đa hóa mọi thuận lợi, mọi thời cơ mà các cấp lãnh đạo quốc gia và thành phố đã tiếp cận được trong nhiều năm qua, nhất là trong 2 năm đại dịch và tái cấu trúc, nâng cấp diện mạo thành phố. Tầm nhìn đến năm 2050 - 2100 nên và phải là một siêu thành phố trung tâm của khu vực Đông Nam Á, là một trong những thành phố đầu tàu về ngoại giao, dịch vụ và chuyên gia trong các khối nước có các FTA (Hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Tùy từng khu vực, từng quận, huyện, thành phố trực thuộc, tùy từng đối tượng, nhu cầu, mục đích ở từng thời điểm để có những chương trình nghiên cứu, đầu tư và phát triển phù hợp làm cho mức sống và phúc lợi của người dân không những không ngừng tăng lên mà tăng đột phá và bền vững.

Kiến tạo những mô hình, hệ sinh thái, môi trường kinh doanh mới theo những tiêu chuẩn chất lượng cao như trong các FTA thế hệ mới đã cam kết. Tri thức hiện đại, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội là 3 phạm trù nền tảng quan trọng nhất phải được xây dựng và phát triển theo xu hướng hội nhập văn minh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kiến tạo một thế hệ nguồn lực mới, thế hệ doanh nghiệp mới, phát triển hiện đại, hiệu quả, bền vững với tư duy và tầm nhìn hệ thống, quản trị và vận hành theo xu hướng chuyển đổi số tối đa là vấn đề cốt lõi và là nền tảng đặc biệt quan trọng cần chú trọng hướng tới trong toàn chuỗi hoạt động của mọi đối tượng.

Đặc biệt, phương châm phát triển thành phố là tận dụng mọi cơ hội của quốc gia, quốc tế và các địa phương có liên kết vùng với TP HCM, khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn nhân lực chất lượng cao, tối đa hóa năng lực nghiên cứu sáng tạo và hiệu quả trong mọi chuỗi cung ứng từ đầu vào tới điểm đến cuối cùng, cân bằng mọi lợi ích và trách nhiệm xã hội nội thành, nội quốc, trách nhiệm quốc tế.

Lắng nghe người dân hiến kế: Loạt giải pháp đưa TP HCM thành siêu đô thị - Ảnh 1.

TP HCM tạo ra và đóng góp GDP cho cả nước cao nhất trong nhiều thập niên qua Ảnh: Hoàng Triều

Giải pháp đột phá và bền vững

TP HCM cần tập trung mọi nguồn lực chất xám cả trong và ngoài thành phố nghiên cứu đề xuất trung ương có cơ chế đặc thù phù hợp (tiếp theo Nghị quyết 54 của Quốc hội) để khai thác mạnh mẽ 3 nguồn lực cốt lõi và là thế mạnh của thành phố: đất đai, con người và công nghệ.

UBND TP mời và phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu) lập bộ hồ sơ năng lực kinh tế và doanh nghiệp TP HCM trong 30 năm qua và 20 năm tới để chào mời đối tác trong và ngoài nước.

Thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển về siêu đô thị mới, hệ sinh thái đô thị mới, mô hình kinh doanh mới, các mô hình nghiên cứu và học tập mới và các hệ thống quản trị mới. Đồng thời, quy hoạch lại hệ thống trường đại học ứng dụng chất lượng cao và trung tâm nghiên cứu, phát triển của mạng lưới giáo dục đại học toàn quốc và quốc tế (mở thêm một số ngành đào tạo mới, ít nhất là 3 ngành: ngoại giao FTA, con người FTA, chuyên gia FTA). Song song đó, thành lập Trung tâm mô hình hóa công nghệ cao của thế giới, tập hợp những đặc trưng cốt lõi của những mô hình tiên tiến để các thế hệ thành phố học tập, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng và có khả năng nghiên cứu ứng dụng cho các địa phương khác với tính khả thi cao nhất.

Thành lập các khu công nghiệp liên hợp cao cấp về chế biến nông thủy sản chất lượng cao có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính, chọn những sản phẩm đặc trưng (ví dụ OCOP, GlobalGAP) để triển khai trước.

Cùng với đó, thành lập thêm các trung tâm ngoại giao và nghiên cứu hợp tác với các nền kinh tế lớn, các công nghệ cao của thế giới; Trung tâm thông tin tổng hợp dữ liệu lớn và xử lý thông tin thông minh toàn thành phố (Big data & AI); Trung tâm chuyển đổi số đột phá nâng cấp doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững; Trung tâm cung ứng dịch vụ chuyên gia (quốc gia, khu vực và quốc tế); Trung tâm dự báo và xử lý rủi ro toàn thành; Trung tâm phản ứng nhanh về những ách tắc của doanh nghiệp; Trung tâm nghiên cứu và phát triển về lãnh đạo và phát triển bền vững thành phố và các vùng liên kết; sàn điện tử về hiến kế và xử lý giải pháp hiến kế của giới chuyên gia hàng đầu, kể cả chuyên gia quốc tế.

Mời gọi nhân tài trong và ngoài thành phố hiến kế và đóng góp cho thành phố đúng nghĩa và hiệu quả thật sự một cách liên tục (không theo thời vụ, sự kiện). Đồng thời, lập quỹ khai thác hiến kế và sử dụng tích cực, công khai, có báo cáo minh bạch; nghiên cứu và phát triển các mô hình tiên tiến trong và ngoài thành phố, hoạt động tích cực và hiệu quả; khai thác mạnh mẽ công cụ chuyên chính để phát triển thành phố xứng tầm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...