Không lo thiếu việc
Nhiều chuyên gia tin tưởng các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua sẽ là cơ sở để thị trường lao động cuối năm và đầu năm sau phát triển tích cực
Nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động vẫn chạy đều với mức tăng đáng kể bởi những đơn hàng đã ký, nhiều nơi xuất hiện tình trạng thiếu lao động. Tuy nhiên, khi kết thúc quý III, đơn hàng sản xuất đột ngột giảm mạnh khiến nhiều DN trở tay không kịp. Hệ quả là nhiều DN buộc phải công bố cắt giảm nhân sự, cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc luân phiên, không tăng ca, giãn việc để chờ đơn hàng mới.
Lao động mất việc chưa hết cơ hội
Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa có báo cáo thị trường lao động 11 tháng năm 2022, trong đó có 4 địa phương báo cáo về tình trạng cắt giảm lao động, giờ làm, nghỉ việc luân phiên tập trung ở các DN sử dụng nhiều lao động.
Cụ thể, tại TP HCM đã có 26 DN ra thông báo cho gần 3.000 NLĐ nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động. Tại Bình Dương, qua khảo sát các DN có quy mô dưới 300 lao động hiện vẫn ổn định, không có tình trạng cắt giảm lao động. Tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số DN thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các DN thuộc ngành gỗ, da giày... Còn ở An Giang, số lao động đã bị giảm trong vòng 1 tháng qua và số lao động dự kiến giảm trong 3 tháng tới tổng ước tính là hơn 4.000 lao động. Số lao động này đều là lao động phổ thông và chủ yếu thuộc ngành dệt may, da giày...
Nhiều doanh nghiệp vẫn tăng cường tuyển dụng trong tháng cuối cùng của năm 2022
Theo Cục Việc làm, nguyên nhân giảm lao động của các DN là do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, khách hàng chính của DN bị thiệt hại nặng nề dẫn đến việc không có đơn hàng sản xuất, DN cũng khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, cục này cũng khẳng định bên cạnh việc giảm lao động ở một số DN lớn do thiếu đơn hàng, ngay tại địa phương đó, nhu cầu tuyển dụng của các DN vẫn cao.
Như ở An Giang, nhu cầu tuyển dụng của các DN trong tỉnh trong 3 tháng tới khoảng 5.426 lao động, chủ yếu là ở ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản... Tại TP HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm khá cao, các DN ở địa phương này đang cần tuyển hơn 43.000 vị trí việc làm mới. Như vậy, cơ hội việc làm cho NLĐ bị mất việc cũng rất cao khi nhiều DN gia tăng tuyển dụng vào thời điểm này.
Nhiều tín hiệu lạc quan
TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, đánh giá thị trường lao động tháng cuối năm đang có nhiều chuyển biến tích cực bất chấp việc một số DN cắt giảm lao động. So với nhu cầu tuyển mới trong tháng cuối năm và đầu năm 2023 thì số lao động bị cắt giảm là rất nhỏ. Trong khi đó, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM trong năm 2022 rất khả quan và đầy triển vọng. Như vậy, thị trường lao động tại TP HCM vẫn đang phát triển theo hướng tích cực. Bước sang năm 2023, thị trường lao động sẽ nhộn nhịp hơn
Bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm Tốt, cho biết hiện các lãnh đạo DN sử dụng nhiều nhân công như may mặc, da giày, sản xuất đồ gỗ… đang tìm mọi cách để kiếm đơn hàng mới cho năm 2023. Có đơn hàng thì họ mới tự tin giữ NLĐ để làm việc. Đa số các DN thâm dụng lao động đều sản xuất, gia công phụ thuộc rất lớn vào các đơn hàng từ các nhà buôn nước ngoài. Khi nền kinh tế thế giới ổn định, các nhà buôn lớn của thế giới sẽ đưa ra dự báo và đặt hàng trước từ 3 - 6 tháng, thậm chí đặt cho cả năm.
Do vậy, nếu không có cách giữ chân NLĐ, DN sẽ gặp khó khăn khi có đơn hàng sản xuất mới bởi nền kinh tế thế giới có thể ấm lên nhanh chóng. "Trong bối cảnh này, NLĐ cũng dễ tìm được việc làm mới trước Tết Nguyên đán. Đa phần NLĐ phổ thông khi tìm được việc làm mới ổn định, họ sẽ không quay về công ty cũ để làm. Như vậy, DN vừa sa thải hàng loạt lao động có khi lại gặp khó khăn vì thiếu lao động" - bà Ngọc phân tích.
Bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nodex Asia, cho rằng nhu cầu tuyển dụng trong ngành sản xuất đang gia tăng, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất điện tử khi các tập đoàn lớn trên thế giới và nhà sản xuất phụ tùng gốc đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Nước ta đang trở thành điểm đến lý tưởng để dịch chuyển chuỗi sản xuất và sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý nhà máy, quản lý chất lượng, kỹ sư trở nên nhiều hơn, bao gồm các nhà máy mới thành lập và nhà máy đang hoạt động. Các vị trí việc làm khác cũng vì thế mà tăng lên rất nhiều trong thời gian tới.