Tổng lực hỗ trợ công nhân
Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu Công đoàn các cấp đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân mất việc, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên
Chiều 29-11, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - chủ trì Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 31 (khóa XII). Hội nghị sẽ diễn ra trong 1,5 ngày để bàn, cho ý kiến vào 17 nội dung quan trọng của tổ chức Công đoàn.
Đề xuất 3.000 tỉ đồng hỗ trợ tạo việc làm
Theo ông Nguyễn Đình Khang, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi, phát triển nhanh và mạnh, trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động Công đoàn thuận lợi hơn so với năm 2020, 2021. Tuy nhiên, một số vấn đề nổi lên gần đây liên quan đến cắt giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp (DN) dẫn đến nhiều người lao động (NLĐ) bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống; tình trạng DN trốn đóng, chiếm dụng, nợ BHXH vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm.
Liên quan đến vấn đề việc làm, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, thông tin số DN bị ảnh hưởng sản xuất - kinh doanh phải cắt giảm lao động vào khoảng 1.235 DN tại 44 tỉnh, thành phố. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử. Qua khảo sát, có khoảng 472.210 lao động tại DN bị ảnh hưởng việc làm.
Trong đó tại DN dân doanh: 118.889 lao động, DN có vốn đầu tư nước ngoài: 353.324 lao động. Đặc biệt, có hơn 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng. Về mức độ ảnh hưởng, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết số lao động bị thôi việc, mất việc là 41.558 người (chiếm 8,80%); bị giảm giờ làm là 430.665 người (91,20%) - bao gồm giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Công nhân - lao động gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ để người lao động nào cũng có Tết Ảnh: HUỲNH NHƯ
Để ngăn ngừa tình trạng thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa có công văn yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các DN để có phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, cần tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để kịp thời hỗ trợ NLĐ bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm.
Cục Việc làm cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỉ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỉ đồng.
Không để người lao động nào không có Tết
Theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, dự báo sẽ có tình trạng chủ DN nợ lương, nợ BHXH và các chế độ của NLĐ; DN lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy NLĐ từ trên 35 tuổi ra khỏi DN để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Về giải pháp, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn trên cả nước phải chủ động nắm đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các DN, số lượng NLĐ bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, chỉ đạo, hỗ trợ Công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của DN, của đoàn viên, NLĐ để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn chủ động thực hiện, phối hợp với các tổ chức đại diện, hiệp hội người sử dụng lao động đề xuất với tỉnh, thành ủy, cấp ủy, UBND tỉnh, thành phố, chính quyền và chuyên môn cùng cấp triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh cho DN, giữ việc làm cho NLĐ; bảo đảm quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, lao động có hoàn cảnh khó khăn trong trường hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm.
"Ngoài tham gia giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của DN đối với NLĐ, đặc biệt là việc xây dựng, thực hiện các phương án sử dụng lao động trong trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều NLĐ, Công đoàn các cấp cần tổ chức tốt kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và NLĐ trong dịp Tết Nguyên đán 2023 với mục tiêu không để NLĐ nào không có Tết" - ông Nguyễn Đình Khang lưu ý.