A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gian nan người giữ rừng

Có dịp đến thăm và trải nghiệm cùng các nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, phóng viên mới hiểu được nghề giữ rừng gian nan vất vả cỡ nào.

Chắc hẳn những ai chưa đi rừng thì chưa thể hình dung được sự vất vã ấy. Với những bữa ăn vội bên bờ suối, uống nước của rừng, nơi thiếu thốn về vật chất, đôi chân nặng trĩu leo rừng để đến được các chốt trạm quản lý bảo vệ. Những chốt quản lý bảo vệ rừng tại các tiểu khu 31, xã Đưng K’nớ; tiểu khu 140, xã Đạ sar, cuộc sống trên rừng gần như tách biệt với thế giới hiện đại, không sóng điện thoại, không nước sạch và không điện, thay vào đó là muôn vàn nguy hiểm rình rập. Nơi ấy chỉ có những lời động viên nhau của các anh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững một trong những cánh rừng quan trọng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Tích cực tuần tra, kiểm tra trong rừng của lực lượng Ban QLRPHĐN Đa Nhim.

Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim được giao quản lý diện tích rừng với 40.689,3 ha/49 tiểu khu, nằm trên địa bàn 05 xã và 01 thị trấn của huyện Lạc Dương, chia theo quy hoạch 3 loại rừng cụ thể là diện tích quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu với 23.176,2 ha; diện tích quy hoạch rừng sản xuất: 17.380,6 ha và diện tích ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 132,5 ha. Với diện tích quản lý rộng, thế nhưng Ban quản lý vẫn phải trong tình trạng thiếu người trầm trọng, tình trạng người lao động xin nghỉ việc ngày càng tăng. Số lao động và biên chế được giao năm 2022 là 55 người (52 biên chế và 03 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2010/NĐ-CP). Số lượng công chức, viên chức và người lao động hiện tại là 41 người, trong đó biên chế 35 người, hợp đồng: 06 người. Số lượng biên chế còn thiếu đến 17 người.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Công – Phó Trưởng ban quản lý RPHĐN Đa Nhim cho biết: Thời gian từ năm 2021 đến nay, số lượng viên chức và người lao động tại đơn vị biến động tương đối lớn, giảm 14 người so với cuối năm 2020, trong đó có nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác, nghỉ hưu, thậm chí có trường hợp là trưởng phòng, trưởng, phó trạm QLBVR xin nghỉ việc vì áp lực công việc, trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và khó khăn trong cuộc sống kinh tế gia đình. Đối với những trường hợp đó tôi cũng đã động viên, thôi thúc anh em tâm huyết với nghề nhưng thật sự mà nói, những khó khăn về hoàn cảnh và kinh tế gia đình của anh em, tuy họ không nói ra nhưng tôi cũng rất hiểu và thông cảm.

Những bữa ăn vội trong những ngày tuần tra, kiểm tra trong rừng.

Với địa bàn rộng khoảng 41.000 ha trải dài trên 5 xã và thị trấn Lạc Dương, giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận; Đắc Lắc, các huyện Đam Rông; Đơn Dương, Thành Phố Đà Lat chia đều cho 27 viên chức đang làm việc tại 06 Trạm QLBVR thì mỗi viên chức phải quản lý khoảng 1500 ha. Diện tích lớn, lực lượng mỏng gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm tra trên diện tích được giao quản lý. Hiện nay, tình trạng phản ứng, chống đối nhân viên bảo vệ rừng ngày gay gắt, quyết liệt, mâu thuẫn giữa lực lượng bảo vệ rừng với người dân xảy ra còn nhiều, nhiều trường hợp các đối tượng vi phạm thành lập băng nhóm, côn đồ và sử dụng cả vũ khí để chống đối hung hãn và manh động.

Thực tế hoạt động của viên chức trong các đơn vị chủ rừng nhà nước còn nhiều khó khăn như không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề trong khi đó đặc thù hoạt động vất vả, phần lớn làm việc trong khu vực núi rừng hiểm trở, vùng sâu, vùng xa đi lại rất khó khăn, thời gian làm việc không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ. Chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa tương xứng với mặt bằng chung của xã hội trong khi trách nhiệm ngày càng cao dẫn đến nhiều viên chức, người lao động xin nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi. Vì là nghề khó khăn, vất vả, đặc thù công việc lại cần những người tâm huyết, có sức khoẻ, phải chịu được cảnh xa gia đình thường xuyên, quen với cảnh thiếu thốn về vật chất khi thường xuyên ở lại các trạm nên việc tuyển dụng các lao động trong công tác quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được số lượng người làm việc trong đơn vị…

Vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng

Khó khăn, vất vả là thế nhưng không vì vậy mà tập thể viên chức, người lao động Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim xao lãng trong công việc, luôn quyết tâm hoàn thành tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh công tác bảo vệ, quản lý, trong 06 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã huy động các hộ, tổ nhận khoán trực tiếp tổ chức giải tỏa những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, kết quả đã giải tỏa và tái giải tỏa 53 đợt với tổng diện tích 30,7059 ha/ 173 vị trí. Phối hợp giải tỏa 06 đợt tại các vị trí khai thác, đào đãi khoáng sản trái phép, phát hiện và tiêu hủy các dụng cụ, máy móc phục vụ công tác khai thác, gồm: 10 chòi, 01 máy thổi khí, 07 xe rùa, 06 dàn rung, 05 máy nổ, 03 máy phát điện, 1000m ống nước, 1450m dây điện, 04 máy xay đá, 02 máy tời, 06 mô tơ điện, 01 máy đục bê tông, 01 cưa xăng. Tổng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2022: 37.613,67 ha cho 1.498 hộ và 06 đơn vị tập thể.

Gian nan, vất vã là thế nhưng lực lượng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xây dựng kế hoạch phối hợp với Đội thường trực thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg của huyện trong việc thực hiện kế hoạch tuần tra, truy quét trong các đợt cao điểm để ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ: Giải quyết khiếu nại tố cáo, xác minh đất đai, ngăn chặn tình trạng san ủi, khai thác khoáng sản trái phép và tất cả các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao quản lý

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ thường xuyên phải triển khai thực hiện, đơn vị đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các trạm QLBVR thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, PCCCR tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi tuần tra, kiểm tra rừng, họp định kỳ theo từng tổ nhận khoán, các buổi họp thôn, xóm… để người dân biết các quy định của pháp luật về QLBVR, tham gia các hoạt động QLBVR, tố giác những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về QLBVR; 06 tháng đầu năm đã tổ chức 9 lượt tuyên truyền với 976 lượt người tham gia.

Tích cực trong công tác phát triển rừng.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển rừng năm 2022, thực hiện đề án 1836 và kế hoạch trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên lâm phần đơn vị quản lý, theo kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh của UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong 06 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tổ chức trồng rừng trên diện tích 22,295 ha đất trống sau giải tỏa, có nguồn gốc do vi phạm với 19.291 cây thông ba lá. Đồng thời đã lập hồ sơ trồng rừng sau giải tỏa năm 2022 và chăm sóc rừng trồng các năm trên diện tích 30,67 ha và hồ sơ trồng rừng trên diện tích đất trống sau giải tỏa, có nguồn gốc do vi phạm từ năm 2018 đến năm 2022 trên diện tích 65,49 ha gửi các đơn vị chức năng thẩm định, phê duyệt.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tổ chức trồng rừng trên diện tích 22,295 ha.

Với quyết tâm quản lý bảo vệ và phát triển rừng, giữ vững tài nguyên rừng trên lâm phần được giao, toàn thể viên chức và người lao động đoàn kết, thống nhất, vượt mọi hoàn cảnh để thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra rừng; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng xử lý; tổ chức cho lực lượng nhận khoán tuần tra, bảo vệ rừng, lập chốt trực tại các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng; sử dụng công nghệ thông tin trong theo dõi diễn biến rừng... Thực hiện tốt các công tác lâm sinh, công tác PCCCR trong các mùa khô.

Thế Hùng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết