A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm gánh lo cho công nhân ở trọ

Tăng giá điện sẽ khiến đời sống người lao động có thu nhập thấp bị ảnh hưởng, rất cần các biện pháp hỗ trợ thiết thực

Đối với đề xuất thay đổi cơ cấu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện, nhất là đối với người lao động (NLĐ) ở trọ, có thu nhập thấp, ít được sử dụng điện đúng giá.
Mong được xem xét

Suốt mấy tháng nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lộc, công nhân (CN) một công ty may mặc ở quận 8 đã hạn chế sử dụng điện để tiết kiệm. Chị Lộc đang nghỉ việc không lương để chăm sóc con nhỏ 7 tháng tuổi, chỉ có chồng đi làm. Ban ngày, hai mẹ con ở trong căn phòng trọ vỏn vẹn 10 m2 tại phường 16, quận 8, chị không dùng điều hòa mà chỉ bật quạt và mở cửa để phòng thông thoáng, dù vậy, do trời nóng, nên con chị rất khó ngủ.

Mấy tháng trước, do con nhỏ, chị bật điều hòa để con ngủ sâu giấc khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao. Có tháng, nhận phiếu thông báo tiền điện lên đến 1 triệu đồng, xấp xỉ tiền phòng (1,3 triệu đồng/tháng), chị vô cùng sốc, từ đó chị chỉ dùng điều hòa vào ban đêm. "Tôi đã hạn chế tối đa nhưng mỗi tháng tiền điện vẫn dao động ở mức 600.000 đồng - 800.000 đồng. Vì vậy, tôi mong nếu điều chỉnh giá điện thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ NLĐ thu nhập thấp".

Tương tự, chị Ngô Mỹ Kha, CN một công ty tại quận Bình Tân, cho biết đang thuê trọ và được tính giá điện 3.500 đồng/KWh. Chồng đi làm xa, nhà có 2 mẹ con đi làm, đi học cả ngày nhưng mỗi tháng chị Kha phải trả khoảng 840.000 đồng tiền điện do có sử dụng máy lạnh và một số đồ gia dụng bằng điện. 

Tại nơi chị Kha thuê trọ, chủ nhà thỏa thuận trước giá điện, sau mỗi năm sẽ tăng thêm theo các mức cụ thể hoặc tính giá khác đối với người thuê trọ có sử dụng máy lạnh. Do cần nơi ở nên người thuê phải chấp nhận giá điện mà chủ nhà trọ đưa ra. Khi nhà nước tăng giá điện, chủ nhà trọ có lý do để tăng thêm, nên CN ở trọ chỉ biết chấp nhận. 

Trong bối cảnh đời sống còn khó khăn, để đối phó với vật giá tăng cao, trong đó có giá điện, cách tốt nhất mà chị Kha buộc phải tiết kiệm. Tuy nhiên, theo chị Kha, nếu giá điện liên tục tăng kéo giá cả tăng theo, NLĐ nhất là lao động ngoại tỉnh tại TP HCM sẽ càng khó hơn. Khi đó, có lẽ NLĐ sẽ chọn cách về quê mưu sinh.

Với tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh Huỳnh Văn Toàn (quê Cà Mau), CN Công ty TNHH Pro Kingtex Việt Nam (quận Bình Tân) đã chi khoảng 3 triệu đồng tiền trọ, điện, nước. Con trai đang tuổi ăn học, mẹ già sức khỏe yếu, các khoản chi tiêu hầu như không thể cắt giảm. 

Vì vậy, khi nghe tin giá điện có thể tăng, anh Toàn khá lo, nhất là khi mùa nóng đang đến gần. Cách duy nhất anh có thể nghĩ đến là hạn chế dùng điện đồng nghĩa với việc sinh hoạt hằng ngày của gia đình sẽ bất tiện hơn.

Giảm gánh lo cho công nhân ở trọ- Ảnh 1.

Anh Huỳnh Văn Toàn, công nhân Công ty TNHH Pro Kingtex Việt Nam, với giấy thu tiền phòng, điện, nước hằng tháng. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Tiếng nói từ chủ nhà, người sử dụng lao động

Về đề xuất thay đổi cơ cấu giá bán lẻ điện, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức), lo ngại sẽ tăng giá điện với CN ở trọ. Việc tăng giá điện vào mùa nắng nóng, NLĐ phải xài điện nhiều sẽ khiến họ càng khó khăn.

Hiện nay, vẫn còn nhiều CN chưa được sử dụng điện đúng giá do số lượng chủ nhà trọ đăng ký định mức điện cho CN ở trọ chưa cao. Do vậy, ông Hồng kiến nghị các cấp Công đoàn nên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các chủ nhà đăng ký định mức điện cho CN để giúp NLĐ giảm bớt nỗi lo. Về phía Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi đề xuất tăng lương tối thiểu vùng nên đưa giá điện vào rổ hàng hóa, đưa ra mức điều chỉnh hợp lý để thương lượng. Chỉ có vậy, đời sống NLĐ mới được cải thiện.

Là một trong số các chủ nhà trọ chủ động đăng ký định mức điện theo quy định cho người thuê trọ, ông Nguyễn Tiến Hào, (ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cho rằng thủ tục đăng ký định mức hiện nay khá phức tạp, yêu cầu nhiều giấy tờ, việc này mất rất nhiều thời gian. 

Ông cho rằng nên đơn giản hóa để thúc đẩy các chủ trọ thực hiện, giúp NLĐ được sử dụng điện đúng giá. Tại khu trọ của ông, nhờ đăng ký định mức, giá điện được duy trì ổn định, dao động từ 2.300 - 2.800 đồng/KWh, thấp hơn nhiều so với mức giá mà một số khu trọ tự ý áp đặt lên tới 3.500 - 4.000 đồng/KWh. Trung bình mỗi phòng sử dụng từ 300 - 500 KWh/tháng, giúp mỗi hộ CN tiết kiệm một khoản kha khá mỗi tháng.

Điều này giúp giảm bớt áp lực tài chính, đặc biệt đối với những gia đình CN có con nhỏ hoặc thu nhập thấp. Về đề xuất việc điều chỉnh cơ cấu giá điện bán lẻ, theo ông Hào, nếu đưa vào áp dụng thì thời gian đầu ông tạm thời giữ nguyên mức giá cũ và tự bù phần chênh lệch để theo dõi tác động thực tế.

Tại Công ty TNHH May Trần Trúc (quận 6), để giảm áp lực chi tiêu cho CN ở trọ, hằng tháng ban giám đốc hỗ trợ sinh hoạt phí (tiền nhà trọ, điện, nước) cho CN với mức 800.000 đồng/người/tháng. Theo bà Dương Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Công đoàn kiêm trợ lý giám đốc công ty, CN ngoại tỉnh thường thiệt thòi hơn do mỗi tháng họ phải dành một phần thu nhập để chi trả chi phí nhà trọ, điện, nước. 

Việc DN chủ động hỗ trợ một phần chi phí này sẽ giúp họ bớt đi một phần lo toan để tập trung làm việc, lo cho gia đình. Tuy nhiên, về lâu dài cần duy trì các giải pháp bình ổn giá để cuộc sống của NLĐ được ổn định. 

Lương không thể "đua" với điện

Bà Trương Thị Lĩnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM), cho rằng nếu so với giá xăng thì giá điện có bất cập vì chỉ có tăng mà không có giảm. Mặt khác, giá điện biến động nhiều lần trong năm kéo theo giá cả các mặt hàng đều tăng, trong khi lương NLĐ chỉ tăng mỗi năm một lần. Năm 2024, Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6%, dù công ty điều chỉnh tăng mức cao hơn nhưng vẫn không đủ để NLĐ bù chi phí sinh hoạt. "Do vậy, khi điều chỉnh tăng giá điện cũng nên nhìn vào mức thu nhập, đời sống NLĐ để điều chỉnh mức tăng phù hợp. Kèm theo đó nên có giải pháp kìm hãm giá tiêu dùng khi điều chỉnh lương, giá điện... để đời sống NLĐ bớt khó khăn" - bà Lĩnh nói.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...