Gắn chặt đào tạo với việc làm
Thay đổi phương thức đào tạo, cam kết việc làm, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp... đang là xu hướng hoạt động hiệu quả của các trường, nhất là trường nghề
UBND TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, nguồn nhân lực qua đào tạo đạt 87% và đến năm 2030 đạt 89%. Thành phố đang rất quan tâm đến lĩnh vực công nghệ cao, ưu tiên đào tạo tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nhân lực cho quá trình sản xuất - kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược.
Nhiều trường nghề được "chọn mặt, gửi vàng"
Tại "Ngày hội kết nối doanh nghiệp (DN) và giới thiệu việc làm 2023" do Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM) tổ chức, hơn 40 DN tham gia tuyển dụng hơn 3.000 vị trí việc làm, ở các ngành nghề như: cơ khí, điện - điện tử, ô tô, nhiệt lạnh, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử truyền thông, kế toán, nguội sửa chữa, hàn, quản trị mạng máy tính, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy tính, công nghệ - thông tin..., với mức thu nhập từ 8 - 35 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng thu hút nhân tài, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết đến với ngày hội, ngoài tuyển dụng những vị trí cần thiết, DN còn thu thập được thông tin các ứng viên sáng giá, nhất là sinh viên (SV) giỏi để tạo nguồn cho những đợt tuyển dụng tiếp theo. "Nhiều năm nay, Duy Tân đã đặt mối quan hệ với các trường đào tạo để chủ động nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển chung. Các cơ sở đào tạo mới là kênh tuyển dụng hiệu quả và uy tín" - ông Đức nói.
Học đi đôi với hành giúp sinh viên trường nghề nhanh chóng tiếp cận việc làm
TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết thời gian qua, nhà trường được nhiều DN "chọn mặt, gửi vàng" là nhờ đặt chất lượng đào tạo lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và ngành trọng điểm khác làm trọng tâm. Đó cũng là động lực để trường không ngừng đổi mới trong đào tạo, có nhiều ngành đạt chuẩn quốc tế như: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật cơ khí đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET (Mỹ), cơ điện tử được công nhận bởi tổ chức KOSEN (Nhật Bản).
Nhà trường cũng lập ban cố vấn công nghiệp, trong đó thành viên là đại diện các DN có quan hệ hợp tác để xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra... nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của DN. "Để đáp ứng ngày càng cao của thị trường lao động chất lượng, trường rất chú trọng đào tạo về ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, vững kiến thức - giỏi tay nghề, có kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề và kỹ năng sử dụng công nghệ mới" - TS Kha nhấn mạnh.
Trường CĐ Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TP HCM) cũng có tỉ lệ đạt SV tốt nghiệp có việc làm rất cao là nhờ chú trọng hợp tác DN, cam kết đầu ra chất lượng. Đại diện nhà trường cho biết SV được nhận kinh phí hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng/tháng trong quá trình thực tập tại DN. Mức lương khởi điểm SV của trường đi làm chính thức nhận từ 8 - 15 triệu đồng/tháng. Hiện SV tốt nghiệp mỗi năm không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN đang hợp tác với trường.
Học đi đôi với hành
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lê Quý Đôn (tỉnh Đồng Nai), khẳng định: "Chúng tôi đào tạo theo phương châm SV ra trường phải có việc làm 100% và làm được việc ngay. Vì vậy, thời gian đào tạo thực hành chiếm 70%. Đó là cam kết với người học và DN đồng hành với trường".
Theo ông Nam, tất cả chương trình đào tạo của trường đã thiết kế chuẩn đầu ra. Khi tốt nghiệp, SV đáp ứng tốt yêu cầu công việc mà các DN trong nước đặt hàng đào tạo. Trường cũng có nhiều chương trình đào tạo được quốc tế công nhận nên SV có thể làm việc ở bất cứ đâu. Ngoài ra, nhà trường kết nối với các DN đưa lao động sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Đức... làm việc.
ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai), khẳng định để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, nhà trường quan tâm đến chất lượng dạy học và tạo việc làm, cập nhật công nghệ mới... Trong đó, yêu cầu người học phải hội tụ kỹ năng nghề và kỹ năng mềm đạt tiêu chuẩn chung, nhất là theo tiêu chuẩn Đức với các ngành nghề cơ khí cắt gọt kim loại, cơ khí xây dựng, cơ điện tử công nghiệp, robot công nghiệp, tự động hóa... "Hiện nhà trường đang triển khai mô hình đào tạo kép của Đức với sự tham gia của DN ngay từ đầu chương trình. Vì vậy, có lớp vừa tốt nghiệp xong thì tất cả học viên được nhận sang Đức làm việc" - ThS Cường nói.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết đến nay, đã có 55 trường nghề được các tổ chức quốc tế công nhận và cho phép đào tạo hệ song bằng, tổ chức các chương trình liên kết, cấp chứng chỉ bằng cấp của nhiều tổ chức quốc tế. Đây là cơ sở để dần nâng chất trong đào tạo nghề, mở ra cơ hội việc làm cho người lao động và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam
Hướng đến ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4-10), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương căn cứ điều kiện thực tiễn, chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2023 để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm và học tập suốt đời, thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.