Được miễn học phí, con công nhân có thêm cơ hội học tập tốt hơn
Từ năm học 2025-2026, hàng triệu gia đình công nhân sẽ bớt đi một gánh nặng tài chính khi Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí.
Không còn nỗi lo học phí, công nhân có thể đầu tư cho giáo dục chất lượng tốt hơn cho con. Ảnh: Minh Hương.
Đây là một trong những chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần đảm bảo quyền học tập và tạo điều kiện tiếp cận giáo dục chất lượng tốt hơn cho con em người lao động.
Gia đình anh Trần Văn Định - công nhân đang thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội là một ví dụ điển hình.
Anh Định và vợ có hai con, đều học trường công lập, cháu lớn chuẩn bị vào lớp 6, con gái út lên lớp 3. Mỗi tháng, riêng tiền học phí và ăn bán trú cho hai cháu đã tiêu tốn hơn 3 triệu đồng.
Anh Định chia sẻ: “Tôi tăng ca suốt tháng, thu nhập cũng chỉ được khoảng 10 triệu đồng, không đủ để gánh vác toàn bộ chi tiêu, nhất là khi tiền thuê nhà, điện nước cũng gần 2 triệu đồng".
Vợ anh Định thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng mỗi tháng, nay công ty lại ít việc, chỉ nhận lương cơ bản cùng các khoản phụ cấp, trợ cấp khác.
"Khi con được miễn học phí, chúng tôi có thể tính đến chuyện cho con học thêm ngoại ngữ hay năng khiếu, để sau này các cháu có nhiều cơ hội hơn. Miễn học phí vì vậy không đơn thuần là trợ giúp tài chính, mà là cách Nhà nước đồng hành cùng người lao động trong việc xây dựng tương lai cho thế hệ tiếp theo" - anh Định bày tỏ.
Không chỉ riêng gia đình anh Định, rất nhiều người lao động khác cũng đang vật lộn với chi phí giáo dục.

Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn thực hiện trong tháng 3 - 4 năm 2025 với gần 3.000 người lao động trả lời phiếu tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, hơn 53,3% người lao động cho biết tiền lương chỉ đáp ứng một phần (trên 50%) nhu cầu chi cho giáo dục con cái.
Như vậy, với đa số người lao động chi phí giáo dục là một gánh nặng tài chính và họ phải phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ như vay mượn, tiết kiệm hoặc từ gia đình để đủ trang trải.
Đặc biệt, có 6,9% người lao động cho biết tiền lương của họ không đáp ứng được nhu cầu chi cho giáo dục con cái.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây là một con số đáng lo ngại, có thể dẫn đến việc con cái họ không được tiếp cận với giáo dục chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển và cơ hội nghề nghiệp của thế hệ tương lai.
Theo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, học sinh các cấp trong cơ sở giáo dục công lập sẽ được miễn học phí hoàn toàn.
Đối với những em học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí theo khung do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, đảm bảo không vượt mức thu thực tế.
Chính sách này không chỉ góp phần giảm gánh nặng tài chính, mà còn mở ra cơ hội công bằng hơn trong tiếp cận giáo dục cho con em công nhân, nhóm vốn gặp nhiều thiệt thòi.
Anh Định cho rằng, việc miễn học phí là điều kiện cần thiết nhưng hơn hết, cần nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất để chính sách miễn phí không chỉ là cứu trợ trước mắt mà còn là đầu tư cho tương lai lâu dài.