A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Do dự xét tuyển ĐH bằng học bạ

Nhiều trường ĐH đã nhận hồ sơ xét tuyển học bạ nhưng lượng hồ sơ chưa nhiều. Thí sinh quan tâm nhiều vấn đề như học phí, chương trình đào tạo, thời gian đào tạo...

Ở thời điểm này, nhiều trường ĐH đã nhận hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học bạ nhưng thí sinh vẫn còn đang rất do dự. Có lẽ, diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp khiến học sinh ở nhiều nơi phải liên tục thay đổi hình thức học online, học trực tiếp tại trường, thậm chí nhiều học sinh trở thành F0, F1 đã làm chậm việc đăng ký xét tuyển ĐH.

Lo học phí, chương trình đào tạo

Từ ngày 14-1, Trường ĐH Gia Định đã nhận hồ sơ xét học bạ 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) nhưng đến thời điểm này trường mới nhận được 500 bộ hồ sơ. Thay vì nộp hồ sơ trực tuyến, phần lớn thí sinh lại trực tiếp đến trường để tìm hiểu thêm thông tin về ngành học, chương trình đào tạo, chính sách học phí, học bổng... Đợt xét tuyển này, trường nhận hồ sơ đến ngày 30-3.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, lượng hồ sơ xét học bạ nộp vào trường cũng mới hơn 1.100 bộ dù trường dành tới 1.400 chỉ tiêu ở đợt xét tuyển này. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM - cho biết trong số hơn 1.100 hồ sơ trường nhận được đến lúc này chủ yếu tập trung vào các ngành như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing...

Do dự xét tuyển ĐH bằng học bạ - Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP HCM. (Ảnh: TẤN THẠNH)

"Phần lớn học sinh quan tâm học phí cao hay thấp? Có được rút ngắn thời gian học tập hay không? Chương trình đào tạo thì gồm những môn học nào? Thể thao thì có được tự chọn hay không... Có lẽ thời gian nhận hồ sơ còn dài (đến 1-5), thí sinh còn đang tìm hiểu thông tin nên lượng hồ sơ nộp vào chưa nhiều" - thạc sĩ Sơn nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP HCM, cho biết trường thực hiện xét tuyển theo hai phương thức gồm xét tuyển học bạ 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 12 và học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11) và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn cho tất cả các ngành đào tạo. Đến thời điểm hiện tại, trường nhận khoảng 500 hồ sơ xét tuyển. Một số ngành nổi bật được thí sinh lựa chọn gồm công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing, digital marketing, tài chính - ngân hàng, logistics & quản lý chuỗi cung ứng, truyền thông đa phương tiện, nhóm ngành ngoại ngữ (ngôn ngữ Anh - Nhật - Hàn - Trung)... Mặc dù có những ngành không quá "truyền thống" (như digital marketing) song lại là những ngành vốn có sức hút từ nhiều năm qua, được đánh giá là hợp xu hướng.

Nhiều trường ĐH khác tại TP HCM cho biết hồ sơ xét học bạ trường nhận được chưa nhiều. Có thể, thí sinh cần thời gian để cân nhắc trước khi quyết định chọn nghề, chọn trường.

Đậu rồi, có nhập học?

Chưa nhận được nhiều hồ sơ xét học bạ chưa phải là mối lo của các trường ĐH ở thời điểm này nhưng mối lo chính là những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển không nhập học gây ra tình trạng thí sinh ảo.

Theo thạc sĩ - luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, phương thức tuyển sinh nào cũng có tỉ lệ ảo nhưng phương thức xét học bạ thường ảo nhiều hơn. Trường hy vọng là những thí sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường đã được tư vấn kỹ nếu trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết theo đánh giá của các năm trước thì tỉ lệ ảo khoảng chừng 60% (tức là trúng tuyển thì tỉ lệ nhập học chừng 40% so với lượng hồ sơ). Việc này xuất phát từ việc thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng lúc vào nhiều trường, nhiều ngành trong khi thí sinh chỉ có thể học tại 1 trường. Ngoài ra, nhiều thí sinh trúng tuyển học bạ mà vẫn không xác nhận nhập học để chờ cơ hội khác từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhưng lượng hồ sơ ảo cũng nhiều. Lý do là thí sinh đăng ký chỉ tập trung vào một số ngành. Những ngành thí sinh đăng ký nhiều thì không ảo nhưng với những ngành ít thí sinh đăng ký, thí sinh trúng tuyển lại ít nhập học gây ra tỉ lệ ảo.

Đại diện nhiều trường ĐH cho rằng để giảm tỉ lệ thí sinh ảo, nhiều trường phải gọi tỉ lệ thí sinh trúng tuyển gấp 3, thậm chí gấp 5 lần tỉ lệ đưa ra mới bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh.

Nên xác nhận nhập học ngành phù hợp

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng phương thức xét tuyển nào cũng như nhau. Thí sinh trúng tuyển sớm bằng phương thúc xét tuyển học bạ sẽ giảm bớt áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, nếu thí sinh trúng tuyển vào ngành học phù hợp thì nên xác nhận nhập học.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...