A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để sông Đầm không bị "đầu độc"

Được xem là "lá phổi" của TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) nhưng môi trường sông Đầm đang bị đe dọa bởi nguồn nước thải từ KCN Tam Thăn

Mấy ngày qua, hiện tượng cá tự nhiên tại mương Ba La (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) bỗng nhiên chết hàng loạt khiến người dân lo lắng bởi đây là mương dẫn nước mưa và nước thải đã qua xử lý từ KCN Tam Thăng ra sông Đầm - dòng sông được ví là "lá phổi" của TP Tam Kỳ.

Nước dùng nhuộm vải tràn ra môi trường

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 13-1, người dân phát hiện nhiều loài cá tự nhiên tại mương Ba La chết hàng loạt nên gọi báo chính quyền. 

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại vị trí thoát nước mưa của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (chuyên về may mặc) và cống thoát nước mưa KCN Tam Thăng có hơi nước nóng bốc lên. 

Nước tại 2 vị trí này tương đối đục, mùi hôi nhẹ, nguồn nước có váng dầu nổi trên mặt. Kết quả đo nhanh tại hiện trường, nhiệt độ nước tại vị trí đấu nối của Công ty Panko Tam Thăng là 29 độ C, cao hơn nhiệt độ nước trên cống thoát nước mưa của KCN Tam Thăng 3 độ C.

Giải trình với cơ quan chức năng, nhân viên Công ty Panko Tam Thăng cho biết nguồn nước bốc hơi nóng là nước để phục vụ cho công đoạn nhuộm của công ty nhưng do dư thừa nên đã "chảy tràn ra mương thoát nước mưa". Đoàn kiểm tra đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Quảng Nam lấy 4 mẫu nước đo đạc, phân tích đánh giá.

Theo người dân địa phương, hơn 5 năm qua, từ khi KCN Tam Thăng đi vào hoạt động, nước thải từ tuyến mương của KCN Tam Thăng chảy ra có màu đen, mùi hóa chất bốc ra nồng nặc khiến cá trên mương chết nhiều; vịt uống nước, ăn thức ăn dưới mương cũng chết. 

Lo sợ ảnh hưởng sức khỏe, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng các ngành chức năng kiểm tra, lấy mẫu, kết luận nguồn nước "đạt chuẩn cho phép".

Để sông Đầm không bị đầu độc - Ảnh 1.

Nước thải đen ngòm từ KCN Tam Thăng theo mương Ba La xả ra sông Đầm

Sẽ dẫn nước thải ra sông Bàn Thạch

Tuyến mương Ba La dẫn nước thải từ KCN Tam Thăng ra sông Đầm chỉ dài khoảng 1,5 km. Dù nước thải đã qua xử lý bằng công nghệ hiện đại nhưng cũng không loại trừ trường hợp máy móc bị hỏng hay vì một nguyên nhân nào đó mà nước độc hại tràn ra môi trường.

Đặc biệt, hệ sinh thái sông Đầm có ý nghĩa rất lớn về môi trường, cảnh quan đối với TP Tam Kỳ và các địa phương lân cận. Với diện tích mặt nước rộng 200 ha, sông Đầm có thảm thực vật, hệ động vật đa dạng. Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa thu, hàng ngàn chim cò nhạn - loài chim có tên trong Sách Đỏ di cư về sinh sống, biến nơi đây thành địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch.

Với những tiềm năng, lợi thế như vậy, tỉnh Quảng Nam quy hoạch sông Đầm như một công viên lớn. Tỉnh định hướng sẽ đầu tư, kêu gọi các nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái du lịch bền vững tại sông Đầm, vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên khu vực này.

Ông Trần Trung Hậu, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết UBND thành phố đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Ban Quản lý các Khu Kinh tế - Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất giải pháp bảo vệ hệ sinh thái sông Đầm. 

Cụ thể, TP Tam Kỳ đề xuất tạo hồ sinh học nhận nước thải đã qua xử lý từ KCN Tam Thăng. Hồ này sẽ được nuôi thả cá, các loại thủy sản sinh sống. Khi có dấu hiệu bất thường sẽ đóng hồ, không cho nước thải chảy ra sông.

Ngoài ra, TP Tam Kỳ đề xuất đấu nối nguồn nước thải từ hồ sinh học chảy ra sông Bàn Thạch thay vì chảy ra sông Đầm như hiện nay. Theo ông Hậu, sông Đầm là dòng sông tù, nước đọng còn sông Bàn Thạch có dòng chảy mạnh nên việc rửa trôi nước thải tốt hơn. 

Phương án đấu nối dòng nước thải từ KCN Tam Thăng ra sông Bàn Thạch đã được lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất tại cuộc họp liên quan đến quy hoạch trước đó.

Chờ kết luận nguyên nhân cá chết

Theo lãnh đạo UBND TP Tam Kỳ, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết khoảng 1 tuần nữa mới có thể xác định nguyên nhân cá chết tại mương Ba La.

KCN Tam Thăng là một trong 5 KCN của Khu Kinh tế mở Chu Lai, hiện có 16 dự án đi vào hoạt động, chủ yếu là công nghiệp dệt may và phụ trợ. Tất cả nước thải của các nhà máy được gom về khu xử lý tập trung, sau đó thải ra môi trường qua mương Ba La và sông Đầm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...