A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cùng lao động nữ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc

Trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, sáng 3/12, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp và đề xuất nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi lao động nữ, xây dựng gia đình đoàn viên, người lao động ấm no hạnh phúc.

Đặc biệt quan tâm đến lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ

Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai các hoạt động cho nhiệm kỳ mới, Công đoàn Dệt may Việt Nam xây dựng chương trình: “Đồng hành cùng lao động nữ trong phát huy năng lực bản thân và xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” và đề ra các giải pháp cụ thể cho hoạt động cả nhiệm kỳ.

Theo bà Tâm, Công đoàn cần tiếp tục nghiên cứu đặc thù, điều kiện làm việc của ngành để tham gia xây dựng chế độ chính sách nữ, đặc biệt là chế độ đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ; tăng cường các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng, tay nghề, năng lực thích ứng cho lao động nữ để có được việc làm bền vững.

bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam tham luận

"Ngành Dệt may Việt Nam là ngành đông lao động nữ (chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành).

Công đoàn Dệt may Việt Nam luôn xác định chăm lo, bảo vệ quyền lợi và đồng hành cùng lao động nữ trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Nhiệm kỳ vừa qua đã đánh dấu nhiều mô hình hay, giải pháp mới của Công đoàn ngành trong lĩnh vực này. Toàn hệ thống đã trích gần 67.5 tỷ đồng hỗ trợ cho trên 594 nghìn lượt lao động nữ", bà Tâm chia sẻ.

Tổ chức Công đoàn các cấp cập nhật, đổi mới các nội dung, hình thức thi đua trong nữ công nhân viên chức, lao động phù hợp thực tiễn, gắn với phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; lan tỏa hình ảnh, giá trị và nguồn cảm hứng của “Giải thưởng Nguyễn Thị Sen” trong và ngoài hệ thống.

“Chúng ta cần nghiên cứu những hình thức mới lạ, nội dung hấp dẫn, thiết thực gắn với nhu cầu, sở thích, sự quan tâm của lao động nữ. Từ đó, Công đoàn triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, văn hóa, thể thao, các cuộc thi, chương trình...

Chúng ta cần lôi cuốn sự vào cuộc của nam giới, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ ứng xử, sự đồng cảm và chia sẻ của đồng nghiệp nam, cũng như người đàn ông trong mỗi gia đình.

Công đoàn cần thúc đẩy các câu lạc bộ sở thích, thiết chế cơ sở gắn với nhu cầu ăn ở, gửi trẻ, vui chơi giải trí, nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt, ổn định cuộc sống cho người lao động”, bà Tâm nói.

Giúp lao động nữ giảm thiểu khó khăn, yên tâm công tác

Nhằm nâng cao quyền lợi cũng như đồng hành cùng lao động nữ, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan kết nối ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi người lao động hết tuổi nghề trong công việc nặng nhọc, thì có thể giới thiệu họ làm công việc phù hợp, để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.

Theo bà Tâm, các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế, để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động nữ; chi các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa, công trình phúc lợi khác, giúp người lao động, đặc biệt là lao động nữ giảm thiểu khó khăn, yên tâm công tác.

Theo bà Tâm, các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế

Theo bà Tâm, các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cần được thúc đẩy thực thi trên thực tế

Chính phủ tiếp tục quan tâm đến các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để lao động nữ được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, dịch vụ thiết yếu, vay vốn làm kinh tế; các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, giúp người lao động nâng cao năng lực thích ứng, có việc làm bền vững.

Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động, trong đó có lao động nữ.

Các Bộ, ngành liên quan cần phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để người lao động, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.

“Chúng tôi đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu ban hành các đề án thúc đẩy hỗ trợ nữ công nhân, viên chức, lao động xây dựng hạnh phúc gia đình; chăm sóc, nuôi dạy con; tham gia xây dựng các chính sách, cơ chế hỗ trợ đời sống, việc làm của lao động nữ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư, lao động có hoàn cảnh đặc biệt trong các khu công nghiệp, chế xuất”, bà Phạm Thị Thanh Tâm kiến nghị.

Nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã cụ thể hóa các chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động trong các cấp Công đoàn như: Diễn đàn giao lưu trực tuyến “Muôn nẻo yêu thương”, mô hình “Sức khỏe của bạn”, “Lễ cưới tập thể”, “Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”, “Trại hè cho con công nhân viên chức lao động”, “Biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu”, “Tuyên dương con người lao động vượt khó, học giỏi ”…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết