21,43% sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành
Tính trung bình, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành cho tất cả các ngành đào tạo là 21,43%. Đặc biệt, nhiều ngành tỉ lệ này cao hơn 60%.
Đó là kết quả nghiên cứu của Trường Quốc tế thuộc ĐHQG Hà Nội công bố mới đây. Theo nghiên cứu, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%; tỉ lệ này ở các ngành nhân văn và nghệ thuật là 63%; các ngành khoa học tự nhiên, toán và công nghệ thông tin là 60,6%; các ngành nông, lâm, ngư và thú y là 67%. Còn với nhóm ngành kinh doanh, quản lý, tỉ lệ sinh viên làm trái ngành thấp nhất, chỉ 13,26%. Lao động tốt nghiệp ngành này có thể phù hợp với nhiều loại hình công việc khác nhau, do vậy tỉ lệ trái ngành của nhóm ngành này thấp hơn đáng kể so với các ngành khác. Việc làm trái ngành ở đây được hiểu là gồm việc làm trái ngành theo chiều ngang, xảy ra khi người lao động đảm nhận các công việc không phù hợp với lĩnh vực được đào tạo.
Sinh viên tốt nghiệp tìm việc tại một hội chợ việc làm ở TP HCM
Nghiên cứu cho thấy nhóm trái ngành có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhóm đúng ngành. Chẳng hạn, mức lương trung bình của nhóm ngành kinh doanh, quản lý khi làm việc đúng ngành vào năm 2020 là 9,4 triệu đồng, còn trái ngành là 8,01 triệu đồng; con số tương ứng ở các năm 2019 lần lượt là 9,1 triệu/7,6 triệu; năm 2018 là 8,2 triệu đồng/6,9 triệu đồng.