A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cung cầu lao động lệch pha

Doanh nghiệp nâng tiêu chí tuyển dụng, còn ứng viên chờ cơ hội đã khiến cho tình trạng cung - cầu trên thị trường lao động càng thêm lệch pha

zThời gian này, anh Kiều Thanh Phong - chuyên viên tuyển dụng chuyên trách khối công nghệ thông tin (IT), FPT Telecom - bận rộn tuyển người. Sau giai đoạn tạm dừng tuyển dụng từ quý II/2023, doanh nghiệp (DN) đang tìm kiếm khoảng 500 nhân viên kinh doanh trên toàn quốc.

Khó tuyển người

Theo anh Kiều Thanh Phong, hồ sơ ứng viên gửi về nhiều nhưng khi DN mời tới phỏng vấn thì tỉ lệ bỏ, không tới tham gia khoảng 50%. Chưa kể, ứng viên trụ lại sau tháng đầu nhận việc chỉ 30%. Vì nhân viên kinh doanh với tính chất công việc thường xuyên đi thị trường, di chuyển dưới nắng nóng vất vả nên số lượng nhân viên "rơi rụng" rất cao - nhất là lao động trẻ, do sự kiên định và động lực gắn kết với công việc không cao, dễ từ bỏ trước khó khăn.

Ngoài ra, giai đoạn này, người lao động (NLĐ) có tâm lý muốn bám trụ với công việc hiện tại chờ các khoản thưởng (lương tháng 13, hiệu quả kinh doanh...) nên việc tuyển dụng càng khó khăn. "Độ tuổi thông thường cho vị trí này là 18 - 40 nhưng đối với ứng viên có kinh nghiệm cũng không dễ tìm kiếm. Vì nếu làm lâu năm trong một lĩnh vực họ có thể ngại chuyển đổi hoặc có xu hướng tìm công việc ổn định, ít phải đi thị trường như trước" - anh Phong nói.

Cung cầu lao động lệch pha - Ảnh 1.

Sinh viên tại TP HCM tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp trước khi ứng tuyển

Không chỉ DN tuyển số lượng lớn gặp khó khăn, những DN có nhu cầu ít cũng tìm không ra người. Bà Lê Dương Tường Vy, Giám đốc hành chính - nhân sự Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết DN vừa tái cấu trúc hoạt động nên xây dựng lại đội ngũ để đón đầu cơ hội kinh doanh cho năm sau, cần những vị trí quản lý cấp trung và cấp cao nhưng không có người. 

 

Theo bà Vy, dù nguồn cung nhiều nhưng chưa gặp cầu. Nguyên do từ việc DN lớn cần những vị trí giỏi, hiếm, có kinh nghiệm thực tiễn và quan trọng là phù hợp với ngành nghề kinh doanh. "Để tìm một ứng viên quản lý cấp trung, chúng tôi mất 3 tháng, còn với vị trí cao hơn, có thể phải theo đuổi cả năm" - bà Vy nói.

Ghi nhận từ nhiều chuyên gia việc làm cho thấy năm qua chứng kiến làn sóng cắt giảm lao động số lượng lớn trong nhiều ngành như: xây dựng, bất động sản, IT... Nhiều lao động dôi dư từ các ngành này không kịp chuyển dịch hoặc thích ứng sang ngành mới. Hơn nữa, vấn đề còn nằm ở tình trạng thiếu hụt kỹ năng và kiến thức đáp ứng về ngành cũng như khác biệt trong định hướng nghề nghiệp của NLĐ và tiêu chí chọn người của DN. Sự xung khắc này dẫn tới tình trạng ngành cần thì vẫn thiếu nhân lực, còn ngành giảm bớt hoặc không có nhu cầu thì vẫn dư thừa.

Chờ cơ hội

Không hiếm NLĐ cũng nhận ra thực tế bất hợp lý giữa cung - cầu trên thị trường hiện tại. Anh Trần Thành Nam (30 tuổi, quê Long An) vừa ẩn hồ sơ tìm việc trên tất cả nền tảng tuyển dụng và chuyển hướng sang làm thời vụ. Trước đó, anh Nam làm nhân viên kỹ thuật cho một DN nước ngoài ở TP HCM và rơi vào diện cắt giảm khi nhà máy ít đơn hàng. Nguyện vọng của anh là tiếp tục làm cho công ty nước ngoài và phát triển ở lĩnh vực hiện tại.

Dù vậy, khi anh Nam tìm kiếm trên thị trường, đa phần các vị trí liên quan thường tuyển 1 - 2 năm kinh nghiệm hoặc tuyển quản lý cấp cao, chưa kể có những vị trí chức danh tương đương công việc anh làm trước đây nhưng yêu cầu quá khác biệt. Anh Nam nhận thấy không đúng với khả năng cũng như mong muốn của bản thân nên chấp nhận không gửi hồ sơ và chờ cơ hội. "Tôi đang để mắt tới một số công ty uy tín trong ngành, chỉ cần có vị trí mới phù hợp, tôi sẽ lập tức gửi hồ sơ" - anh Nam nói.

Còn chị Phạm Thị Thư (25 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết hiện chỉ làm công việc tự do, đợi sang năm tìm việc mới. Chị Thư từng làm nhân viên kế toán cho một công ty giáo dục trước khi xin nghỉ vào cuối tháng 10-2023. Công việc chuyên môn thì ít nhưng quản lý thường xuyên yêu cầu kiêm nhiệm nhiều đầu việc khác không liên quan. 

Tình trạng này lặp lại nhiều lần, thấy không thể gắn kết lâu dài nên chị Thư đành xin nghỉ. Sau đó, chị kiên trì gửi hồ sơ ứng tuyển nhưng ngày càng thấy không có nhiều cơ hội việc làm. Những công việc phù hợp, đãi ngộ tốt thì yêu cầu cao hoặc có những công ty nợ lương, môi trường độc hại nên chị ngần ngại. Cuối cùng, chị dừng rải hồ sơ ứng tuyển và chỉ chọn lọc các vị trí chất lượng, thông tin tuyển dụng rõ ràng.

 

Bà Phạm Lan Khanh, CEO Freelancer Viet và Flamingo, cho rằng các công việc thời vụ, tạm thời ngày một nhiều nên NLĐ mất việc không vội tìm việc chính thức. Hơn nữa, sự bấp bênh trong các công việc chính thức trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nhiều ngành nghề cắt giảm nhân sự khiến NLĐ không mặn mà tìm việc. 

"NLĐ mất việc có xu hướng làm việc tạm thời như chạy xe công nghệ, bán hàng online, tiếp thị liên kết... Nguồn thu nhập từ các công việc này cũng khá hấp dẫn trong khi họ chủ động hoàn toàn về thời gian làm việc, làm chủ cuộc sống. Một số NLĐ chuẩn bị chu đáo hơn cho sự nghiệp bằng cách học thêm, rèn luyện kỹ năng, ngoại ngữ... để tìm kiếm cơ hội mới" - bà Khanh nói. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quý III/2023, cả nước có 940.900 người trong độ tuổi làm việc bị thiếu việc làm, hơn 1,079 triệu người thất nghiệp, tăng 6.300 người so với quý II. Trong đó, những ngành bị sụt giảm việc làm lớn nhất là: xây dựng; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản. Trái lại, những ngành có nhu cầu tăng là bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải - kho bãi; công nghiệp chế biến, chế tạo...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...