Cơ hội việc làm rộng mở
Nhu cầu cao về các giải pháp công nghệ trong mọi lĩnh vực kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm
Gia tăng tuyển dụng
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số, cùng với nhu cầu cao về các giải pháp công nghệ trong mọi lĩnh vực kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Những doanh nghiệp (DN) công nghệ tại Việt Nam liên tục gia tăng tuyển dụng nhân sự mới để phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh.
Là DN phần mềm trong hệ sinh thái của FPT (sở hữu hơn 30.000 nhân sự), FPT Software là nhà tuyển dụng lớn trong nhiều năm qua với mức tăng trưởng tuyển dụng khoảng 25%. Trong năm 2023, FPT Software đã tuyển dụng hơn 12.000 nhân sự mới, góp phần vào mục tiêu tuyển dụng 1 triệu chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) của FPT vào năm 2035.
Đơn vị này đã tạo ra các cơ hội công việc chất lượng cao, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) tham gia các dự án phức tạp - nhất là trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như ô tô, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn. "Chúng tôi cam kết phát triển nguồn lực nhân tài CNTT chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển của thị trường lao động trong kỷ nguyên số. Qua đó, thúc đẩy việc làm bền vững, thu nhập tốt, cải thiện đời sống NLĐ" - ông Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Nhân sự của FPT Software, cam kết.
Không chỉ những DN công nghệ như FPT Software mới gia tăng tuyển dụng, nhiều DN khác cũng liên tục bổ sung nhân sự công nghệ. Theo khảo sát của TopDev mới đây, cho thấy nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ đang tăng mạnh. Các DN đưa ra mức lương cho lập trình viên trong năm 2024 từ 1.100 - 3.000 USD/tháng, tùy kỹ năng và kinh nghiệm. Đặc biệt, các vị trí chuyên môn như kỹ sư AI và chuyên gia an ninh mạng thường có mức lương cao hơn nhiều do tình trạng khan hiếm nhân lực.
Hàng loạt dự báo trong 10 năm tới xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan công nghệ sẽ ở mức cao nhất so với những ngành khác. Do vậy, nhu cầu đối với nguồn nhân lực qua đào tạo gắn với chuyển đổi số, khả năng thích ứng công nghệ sẽ rất lớn. "Nền kinh tế số đòi hỏi những người làm việc có kỹ năng để vận hành. Điều đó đồng nghĩa việc NLĐ cần học hỏi và nâng cao nhiều kỹ năng nếu muốn có công việc ổn định và sự nghiệp phát triển" - đại diện TopDev đánh giá.
Nhiều ngành nghề mới ra đời
Theo bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid tại Việt Nam, nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại đất nước hình chữ S này. Với dân số 100 triệu người và hiện có hơn 187 triệu điện thoại di động đang hoạt động, thống kê này cho thấy người Việt Nam rất chủ động trong việc tiếp cận kinh tế số.
Theo bà Thảo, kỷ nguyên số đang tác động mạnh đến thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công dần bị xóa bỏ, nhiều lao động sẽ mất việc làm. Đồng thời, cũng mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới được ra đời từ sự phát triển của nền kinh tế số, như bán hàng online, tiếp thị liên kết, sáng tạo nội dung số, KOL, KOC, Influencers (những người có tầm ảnh hưởng trên không gian mạng), tài xế xe công nghệ...
"Những người làm công việc này đang tạo ra thị trường lao động mới mà trước đây chưa từng xuất hiện. Qua đó, đặt ra vấn đề cho các nhà lập pháp về pháp luật lao động, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm để điều chỉnh, bổ sung quy định hỗ trợ chính thức hóa những công việc trong khu vực phi chính thức" - bà Thảo nói.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đánh giá trước những thay đổi mạnh mẽ, với nhiều vấn đề thời sự đặt ra đối với thị trường lao động, mới đây dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về giao dịch việc làm điện tử, bảo đảm phù hợp pháp luật về giao dịch điện tử và thương mại điện tử.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức. "Đồng thời, xem xét quản lý lao động bằng "Sổ lao động điện tử" gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… Từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, blogger đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online" - ông Độ nhấn mạnh.
Xu hướng phát triển nghề nghiệp
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho biết NIC đang hợp tác với 3 DN hoạt động dịch vụ nhân sự uy tín của Việt Nam để xây dựng nền tảng "Nhân lực số". Đây là nền tảng đầu tiên cung cấp chi tiết các thông tin về nhân sự trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Nền tảng này sẽ đem lại những kiến thức tổng quan nhất về thị trường việc làm, từ đó định hướng và tạo nên xu hướng phát triển nghề nghiệp cho các bạn trẻ trong tương lai. Các nhà tuyển dụng từ đó cũng có thể điều chỉnh và sử dụng nguồn lao động một cách hiệu quả, phù hợp trước những biến động của thị trường lao động.