A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng Bước Người Lao Động: Bay xa bằng đôi cánh học tập

Anh Đặng Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Phát triển thị trường Công ty CP Đầu tư thương mại và tạp phẩm Sài Gòn, là tấm gương điển hình về lao động trẻ trong thời hội nhập

Sau thời gian làm việc tại Nhật Bản, về nước, chàng trai Hà Nội Đặng Mạnh Tuấn (SN 1989) đầu quân vào Công ty CP Đầu tư thương mại và tạp phẩm Sài Gòn (Tocontap Saigon). Sau 10 năm nỗ lực cống hiến, anh đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng Phát triển thị trường của công ty.
Đi một ngày đàng...

Công việc bộn bề, nhất là khi công ty đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nếu không đi công tác nước ngoài hay ngoại tỉnh, Tuấn lại bận rộn với những công việc của một trưởng phòng với tác phong nhanh nhẹn, cách làm việc khoa học mà anh nói là học được từ những ngày làm việc ở Nhật Bản.

Anh Đặng Mạnh Tuấn trò chuyện với thực tập sinh của Tocontap Saigon trước khi sang Nhật Bản làm việc.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Đặng Mạnh Tuấn trò chuyện với thực tập sinh của Tocontap Saigon trước khi sang Nhật Bản làm việc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp in (TP Hà Nội), năm 2011, Tuấn đi XKLĐ sang tỉnh Tokushima - Nhật Bản, làm việc tại một nhà máy in. Bên cạnh công việc chính là phụ tá cho trưởng máy, do ham học hỏi nghề nghiệp và tiếng Nhật, anh chịu khó làm thêm các công việc về kỹ thuật in như pha màu, canh máy… 

Siêng năng học hỏi và tuân thủ kỷ luật, giao tiếp tốt, trình độ tiếng Nhật của anh ngày một nâng cao, tay nghề ngày càng khá, được công ty càng tin cậy. Trước khi về nước (năm 2014), anh được cất nhắc lên vị trí phụ tá quản đốc. Sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản, về nước, anh được Tocontap Saigon tiếp nhận vào làm việc. 

Công việc ban đầu của anh là cán sự đối ngoại, chủ yếu chăm sóc khách hàng, giao tiếp đối ngoại, phiên dịch. Sau đó anh được giao nhiệm vụ tạo nguồn thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản của công ty, phụ trách các đơn hàng, quản lý TTS và được bổ nhiệm Trưởng Phòng Phát triển thị trường. Anh phấn đấu tốt và vào Đảng năm 2019, hiện cũng là Bí thư Đoàn TNCS của công ty.

Với Tuấn, được đi làm việc ở Nhật Bản là cơ may để anh hiểu thêm và trải nghiệm cuộc sống ở đất nước mặt trời mọc, học được ở họ nhiều đức tính tốt trong lao động. Điều khiến anh cảm động là sự quan tâm của công ty với người lao động (NLĐ). Lúc đó, anh bị đau khóe ngón chân, mang giày bảo hộ và đi lại khó khăn. Công ty đã đưa anh đi phẫu thuật, từ đó ngón chân lành hẳn. Một việc nhỏ song đầy ắp tình người, thể hiện sự quan tâm chân thành của người sử dụng lao động với NLĐ.

Giữ chữ tín cho doanh nghiệp

Về với Tocontap Saigon, một công ty uy tín trong XKLĐ, nhất là với thị trường Nhật Bản, sự quan tâm, chăm sóc của công ty với TTS càng khiến Tuấn thêm gắn bó. Anh lập gia đình năm 2016, nay có 2 con gái, sinh sống tại TP HCM. Từ đây, Tuấn đem hết kinh nghiệm, hiểu biết của mình truyền đạt cho NLĐ.

Từ năm 2015, Tuấn liên tục có những chuyến đi sang Nhật Bản. Anh đến từng công ty thăm NLĐ đang làm việc tại nhà máy, động viên NLĐ tại nơi lưu trú và phối hợp cùng chủ sử dụng lao động có ngay biện pháp hỗ trợ NLĐ nếu gặp khó khăn trong cuộc sống và công việc. Anh cũng tạo nguồn lao động xuất khẩu cho công ty bằng cách đến từng nhà ứng viên tại TP HCM và các tỉnh, thành. 

Năm 2023, công ty được Hiệp hội XKLĐ Việt Nam (VAMAS) đánh giá 6 sao. Đây là lần thứ 2 công ty đạt danh hiệu này, lần đầu là năm 2019. NLĐ của công ty luôn làm việc chăm chỉ, không vi phạm luật pháp Nhật Bản, quy định của nhà máy. Thành quả đó có công đóng góp của anh Tuấn.

Ông Nguyễn Đức Quốc, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực - Tocontap Saigon, nhận xét: Tuấn là tấm gương điển hình về lao động trẻ trong thời hội nhập. Sang nước ngoài làm việc thì siêng năng, ham học hỏi, tự trau dồi để giỏi tiếng Nhật. Về nước làm việc thì anh chịu khó học hỏi thêm để có kỹ năng và kiến thức tốt trong lĩnh vực XKLĐ, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của công ty.

Tuấn còn cùng đồng nghiệp tại công ty góp sức xây dựng, đào tạo - giáo dục, định hướng tay nghề để Tocontap Saigon có được đội ngũ TTS chất lượng tốt, được công ty tiếp nhận ở Nhật Bản hài lòng. Điều đáng mừng là sau khi làm việc tại Nhật Bản, khi về nước, những NLĐ này là nhân tố tích cực giới thiệu người thân đi làm việc ở nước ngoài, đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và công ty. 

Có nguồn vốn tích lũy

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản trở về cho biết: Sau 3 năm làm việc, ai cũng có tay nghề vững vàng, tác phong lao động công nghiệp và về nước với số tiền tích lũy từ 500 - 600 triệu đồng. Trước dịch COVID-19, khoản tích lũy còn cao hơn (từ 700 - 800 triệu đồng). Nhiều người sau 3 năm làm việc được gia hạn 2 năm và người có thời gian làm việc tại Nhật Bản dài hơn thì khoản tích lũy lớn hơn nhiều - trên dưới 1 tỉ đồng. Khoản tích lũy này góp phần giúp họ tự tin trong cuộc sống, có thể là khoản để dành hoặc góp vốn đầu tư, khởi nghiệp cùng người thân, bạn bè...

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...