A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chật vật kiếm việc ở tuổi trung niên

Hầu hết doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, khiến những lao động trung niên ở Quảng Nam bị thất nghiệp, đời sống bấp bênh.

Chật vật kiếm việc ở tuổi trung niên

Cử tri công nhân tại Quảng Nam kiến nghị với đại biểu Quốc hội giảm thời gian đóng BHXH trong bối cảnh lao động trung niên khó tìm việc. Ảnh Hoàng Bin

Tỉ lệ thất nghiệp tuổi trung niên tăng cao

Hơn 6 tháng kể từ khi công ty cũ cắt giảm nhân sự, ông Nguyễn Thanh Xuân (45 tuổi, TP Tam Kỳ) vẫn chưa thể tìm được công việc mới.

“Trước đây, tôi làm việc ở xí nghiệp chế biến gỗ tại Đồng Nai hơn 5 năm, thu nhập mỗi tháng hơn 8 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi công ty gặp khó khăn, tôi xin nghỉ việc, tìm kiếm cơ hội mới. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có công ty khác nhận việc” - ông Xuân chia sẻ.

Bà Trần Thị Thủy (42 tuổi, huyện Phú Ninh) là một trong những lao động trung niên bị cắt giảm nhân sự sau khi doanh nghiệp may bà đã gắn bó hơn 15 năm tái cơ cấu.

“Khi nghe tin mình bị mất việc giữa chừng, tôi rất hụt hẫng. Tìm việc tại các công ty khác là điều không dễ dàng vì họ chỉ nhận người trẻ tuổi. Thời gian này, tôi nhận đồ về gia công để kiếm thêm thu nhập trong khi chờ việc mới” - bà Thủy chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, tính đến hết tháng 5.2023, toàn tỉnh có gần 5.000 người có nhu cầu đến đăng kí hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hồ sơ đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 1.486 người. Trong đó, có nhiều lao động từ 40 tuổi trở lên.

“Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng lao động trên 40 tuổi thích nghi chậm và không đủ sức đảm đương công việc. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều công ty từ chối lao động trung niên”, đại diện một doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm Quảng Nam tháng 5.2023 lí giải.

Tại Quảng Nam, chỉ có 30% lao động thất nghiệp có nhu cầu thật sự muốn quay lại thị trường lao động trong số hàng nghìn người được Trung tâm dịch vụ việc làm hỗ trợ, tư vấn.

Thiếu ngành nghề đặc thù cho lao động trung niên

Lao động trung niên hiện chiếm khoảng 20-30% trong tổng số lao động tại các doanh nghiệp ở Quảng Nam. Trước đại dịch COVID-19 thì cơ hội việc làm nhiều hơn nhưng sau dịch thì các công ty, xí nghiệp tuyển dụng ít và phần lớn đều yêu cầu lao động trẻ tuổi, có sức khỏe nên người lao động trung niên tìm việc khó hơn.

Theo ông Phan Phước An - Tổ trưởng Tổ tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài nước thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam - thị trường lao động địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng lớn về ngành may mặc, dệt, nhuộm, cơ khí… nên độ tuổi phù hợp để đáp ứng là từ 18 đến dưới 35.

Đây cũng là vấn đề nan giải đối với lao động lớn tuổi khi họ thiếu phân khúc thị trường lao động với những ngành nghề phù hợp với ưu thế về kinh nghiệm, sự tập trung, gắn bó…

Rời TPHCM sau gần 10 năm gắn bó tại một công ty dịch vụ du lịch, bà Võ Thị Miên theo chồng về quê Quảng Nam. Nhưng suốt 2 năm qua, bà Miên chật vật, chạy đôn đáo khắp các công ty ở Khu công nghiệp Tam Thăng (TP Tam Kỳ) xin việc nhưng các công ty đều từ chối.

“Bị thất nghiệp nên buột lòng tôi phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vì thu nhập bấp bênh, không thể tham gia BHXH tự nguyện” - bà Miên nói.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng, lao động ở tuổi trung niên có ít cơ hội tìm kiếm việc làm mới sau khi thất nghiệp, nên khó đóng đủ thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ lương hưu.

Đây cũng là vấn đề được nhiều lao động nữ ngành may mặc tại KCN Tam Thăng kiến nghị với đại biểu Quốc hội, tại các cuộc tiếp xúc cử tri công nhân mới đây. Họ lo ngại không đủ sức để làm việc cho đến khi đủ số năm đóng BHXH theo quy định. Hoặc nhiều người vì bệnh đau, bị cho thôi việc… nên phải rút BHXH một lần chứ không thể tiếp tục tham gia.

Theo ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ Quảng Nam - việc giữ chân hoặc tuyển lao động lớn tuổi sẽ giúp công ty không phải đào tạo, họ còn chia sẻ kinh nghiệm cho lao động trẻ.

Đối với tổ chức Công đoàn, sẽ có giải pháp như kí kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết