A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Vui hết mình" nhưng văn minh

Vui chơi hết mình nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều các nhà quản lý cần hướng tới thông qua những giải pháp phù hợp

Hôm 27-4, phát biểu trong một hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề cập hiện tượng "canh bắt phạt" nồng độ cồn khách nhậu của nhiều đội CSGT.

Nghiêm khắc với vi phạm

Theo đó, khi nói về kinh tế đêm, bên cạnh đề nghị lực lượng chức năng xem lại việc hạn chế buôn bán, vui chơi của người dân sau 23 giờ vì "khách đến Bạc Liêu mà chơi tới 23 giờ đêm phải nghỉ, quán phải đóng cửa thì sao được…", ông Thiều còn cho rằng khách vào quán trở thành đối tượng bị "canh xử phạt" là chưa ổn. Tuyên truyền, giáo dục ý thức cho họ mới là "gốc" của vấn đề.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu lập tức tạo nên làn sóng tranh luận trên không gian mạng với những ý kiến hoặc phản đối, hoặc chưa đồng tình, hoặc đắn đo, hoặc ủng hộ… tùy thuộc vào những góc nhìn về phát triển kinh tế, thu hút du khách hay an toàn cho người đi đường.

Ngược thời gian, kể từ năm 2020 tới nay, khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019 có hiệu lực, việc giám sát, xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong cơ thể được siết chặt và mang lại hiệu quả trong ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

Chỉ tính riêng tại TP HCM, trong đợt cao điểm về kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông (từ ngày 20-6-2022 đến 20-9-2022), lực lượng CSGT TP HCM phối hợp công an các địa phương thực hiện biện pháp "gõ cửa" từng nhà hàng, quán karaoke, điểm kinh doanh có bán rượu, bia để tuyên truyền, vận động chủ cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Một trong những nội dung mà CSGT tuyên truyền và được nhiều chủ nhà hàng, quán ăn đồng ý tuân thủ là cam kết sẽ báo tin "thượng đế" say xỉn cho lực lượng CSGT gần nhất để kịp thời ngăn chặn, tìm hướng xử lý.

Còn trong đợt nghỉ lễ từ 28-4 đến 2-5 vừa qua, toàn quốc có 15.852 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong đó, 2.161 trường hợp tại TP HCM bị xử lý với mức tiền phạt cao. Điều này cho thấy sự nghiêm khắc với hành vi vi phạm chưa bao giờ bị lơ là.

Vui hết mình nhưng văn minh - Ảnh 1.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn một người dân. Ảnh: Ý LINH

Phương án "lợi cả đôi đường"

Ở khía cạnh khác, việc người dân, du khách "sợ phạt" mà ngại "giao lưu" cũng ít nhiều ảnh hưởng tới bản sắc đô thị cũng như hoạt động kinh tế đêm. Làm sao để khách du lịch, người dân thoải mái mua sắm, vui chơi, ăn uống sau quãng thời gian lao động mệt mỏi nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ luật pháp là câu hỏi lâu nay nhiều chuyên gia, nhà quản trị xã hội đặt ra và tìm đáp án thỏa đáng nhất.

Theo luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, mỗi địa phương có sự ưu tiên trong định hướng ngành nghề. Nếu xác định mũi nhọn chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh là du lịch thì cũng có nhiều cách thức, mô hình.

Việc tuần tra, kiểm soát, lập chốt lưu động kiểm tra nồng độ cồn là thẩm quyền và trách nhiệm của lực lượng CSGT để hạn chế tai nạn do rượu bia. Tuy nhiên, nếu "canh bắt phạt ở quán nhậu" như trong nhận xét của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu là hình ảnh chưa được đẹp.

Cũng theo luật sư Tuấn, để hài hòa giữa phát triển kinh tế đêm nhưng hạn chế hành vi đáng tiếc do rượu bia, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, khách du lịch. Song song đó là sự nghiêm minh trong chế tài xử phạt.

Các phương án như đặt xe ôm công nghệ, hỗ trợ của quán nhậu đối với hành khách nên được ưu tiên vì đó là các biện pháp bảo đảm an toàn tối đa cho khách hàng. Để tạo thiện cảm, chủ quán cũng cần xem xét hỗ trợ chi phí đặt xe công nghệ, cho khách gửi lại xe tại quán và cho nhân viên đưa khách về tận nhà. "Khách hàng là "thượng đế" và các chủ quán nhậu cũng nên chăm sóc, bảo đảm an toàn cho các "thượng đế" của mình" - ông Trương Văn Tuấn nói.

Chuyên gia tâm lý Trần Trung Kiên cũng cho rằng việc "canh bắt phạt" khách đi nhậu tại các quán của lực lượng CSGT là không sai nhưng mang lại cảm giác không thân thiện. Chưa kể, điều đó tạo ít nhiều áp lực cho các đơn vị kinh doanh. Họ bị mất lợi nhuận, từ đó không nộp nhiều ngân sách cho tỉnh.

Cũng theo ông Trần Trung Kiên, ở Việt Nam, người dân khi đã sử dụng rượu bia thường ít có sự lựa chọn phương tiện thay thế phương tiện cá nhân vì hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng chưa tương xứng. Trong khi đó, chi phí cho taxi, xe ôm công nghệ còn cao. Do vậy, cần giải bài toán từ gốc, trong đó hệ thống giao thông công cộng phải tốt hơn. 

2 việc phải làm tốt hơn

Bà Trần Hải Yến, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng để hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an toàn giao thông thì các hàng quán phải làm tốt hơn nữa 2 việc. Thứ nhất, giữ xe cho khách đã dùng thức uống có cồn; thứ hai, đưa khách về an toàn.

"Đây là những điều mà nhiều hàng quán kinh doanh thức uống có cồn ở TP HCM chưa làm được. Để đưa khách về an toàn, chủ các nhà hàng kinh doanh có thể liên kết với dịch vụ xe ôm, taxi công nghệ. Nếu phục vụ tận tình, chu đáo, giá cả phải chăng thì chắc chắn đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để mọi người đều vui" - bà Hải Yến nêu quan điểm.

Giải pháp căn cơ

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Thiều khẳng định việc "canh bắt phạt" nồng độ cồn gần các quán nhậu là không cần thiết.

"Yếu tố về kinh tế, du lịch thì không cần phải bàn rồi, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Còn về vấn đề an toàn thì những người có năng lực hành vi, có ý thức trách nhiệm chắc chắn họ biết tự bảo vệ mình sao cho an toàn. Số người uống rượu say lái xe kiểu bất chấp tính mạng của mình và người khác là rất cá biệt" - ông Thiều nói và cho rằng nên tập trung ngăn chặn, xử lý các đối tượng chạy xe đánh võng, lạng lách; kiểm tra nghiêm ngặt đối tượng điều khiển xe không có bằng lái và đầu ra sát hạch lái xe mới là nhữgn giải pháp căn cơ. D.Nhân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...