A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Vận động” bỏ thi lớp 10 công lập và phân luồng sau bậc Trung học Cơ sở

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp đóng vai trò quan trọng trong việc phân luồng sau bậc THCS. Thế nhưng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập rất mong manh.

“Vận động” bỏ thi lớp 10 công lập và phân luồng sau bậc Trung học Cơ sở

học sinh THPT trường liên cấp Phenikaa trong giờ hướng nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn

Khoảng 23.000 học sinh Hà Nội không thi lớp 10 công lập

Đầu tháng 6.2024, các tỉnh thành sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... kỳ thi này được ví là căng thẳng hơn thi đại học do hệ thống trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh.

Theo số liệu của Sở GDĐT TP Hà Nội về công tác tuyển sinh đầu cấp, năm học 2023 - 2024 có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 (tăng khoảng 4.000 so với năm học trước). Trong đó, hơn 110.000 em đã đăng ký thi vào lớp 10 công lập, số còn lại không đăng ký dự thi khoảng 23.000 học sinh (chiếm 17%).

Hằng năm, khi số liệu này được công bố, dư luận lại dậy sóng về câu chuyện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Một số phụ huynh phản ánh tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh có kết quả học tập chưa cao không đăng ký thi lớp 10, nhằm đảm bảo tỉ lệ đỗ cao - đạt thành tích tốt.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng, có nhiều lý do để học sinh lựa chọn không thi vào lớp 10 công lập.

"Trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều trường dân lập, tư thục, các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên có thể trở thành lựa chọn của các bậc phụ huynh và học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường trong nhóm này ngày càng nâng cao, học sinh cũng không cần vất vả ôn tập. Đó là một trong những lý do nhiều học sinh lựa chọn không đăng ký thi” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh. Vì vậy, giáo viên và nhà trường phải "tròn vai" trong công tác hướng nghiệp quan trọng này.

“Học sinh có quyền lựa chọn thi vào trường THPT theo ý thích của bản thân cho dù học lực ở mức trung bình hay yếu kém. Nhà trường và giáo viên chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, đưa ra lời khuyên cho học sinh và phụ huynh để họ hiểu lớp 10 công lập không phải là con đường duy nhất. Chúng ta không được đánh đồng phân luồng học sinh sau THCS thành câu chuyện ép thí sinh không được dự thi” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Phân luồng học sinh sau THCS là bài toán khó, nếu thực hiện có hiệu quả sẽ giúp giảm đáng kể áp lực thi vào 10 của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Để làm được điều này, công tác hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.

Thí sinh dự thi lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Thí sinh dự thi lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng

Phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội. Hiện nay các trường THCS trên cả nước đã và đang đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau THCS.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thơ - giáo viên Trường THCS Lê Lợi (Nghệ An) - cho biết, nhà trường đã triển khai rất nhiều hình thức. Trong môn Giáo dục hướng nghiệp của học sinh lớp 9, nhà trường có thực hiện chuyên đề - các hướng đi cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phải xác định đúng năng lực, sở trường của các em và từ đó tư vấn, định hướng cho các em. Giáo viên và nhà trường chỉ tư vấn, định hướng đúng năng lực sở trường và nguyện vọng của các em, còn việc quyết định học trường nào là do học sinh, tránh trường hợp ép buộc ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, cô Hà Thị Lan Hương - giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (Phú Thọ) cho biết, các thầy giáo, cô giáo định hướng, hướng nghiệp cho học sinh trong việc đặt nguyện vọng với mong muốn các em tìm được con đường phù hợp với bản thân mình nhất.

"Tất cả những định hướng này đều được thầy cô đúc rút trong suốt quá trình giảng dạy, với mong muốn các em có thể phát triển bản thân trong môi trường phù hợp nhất. Tuy nhiên những gợi ý mà thầy cô đưa ra chỉ đóng vai trò như một lời khuyên cho gia đình và các em, không mang tính bắt buộc. Các em học sinh sẽ chính là người đưa ra quyết định của mình. Nhà trường cùng giáo viên sẽ đảm bảo việc học sinh được học tập kiến thức cần thiết để tham gia kỳ thi chứ không can thiệp vào quá trình đăng ký nguyện vọng của các em" - cô Hương chia sẻ.

Theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, năm 2024 trên địa bàn thành phố diễn ra hai kỳ thi lớn là kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 27.6 và 28.6, dự kiến có khoảng 112.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng khoảng gần 10.000 so với năm 2023. Sở GDĐT dự kiến bố trí hơn 200 điểm thi với hơn 4.800 phòng thi.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 diễn ra vào ngày 8 và 9.6. Sở GDĐT dự kiến bố trí 210 điểm thi với hơn 4.300 phòng thi. Ngoài ra, từ tháng 7.2024, trên địa bàn thành phố còn diễn ra kỳ tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2024 - 2025. Dự kiến, các trường tuyển mới khoảng 100.000 trẻ nhà trẻ; 52.000 trẻ mẫu giáo; 145.000 học sinh lớp 1 và 160.000 học sinh lớp 6. Phương thức tuyển sinh là trực tiếp và trực tuyến.

Thầy Nguyễn Xuân Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phương Đình (Hà Nội) cho biết - nhà trường đã có kế hoạch ôn tập và hướng nghiệp cho học sinh từ sớm.

“Kế hoạch hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường thực hiện dựa trên quá trình học tập và kết quả thi của học sinh. Phương châm của nhà trường là học thật, thi thật, điểm thật, từ đó có cơ sở tư vấn, hướng nghiệp cho từng em. Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với gia đình để phụ huynh hiểu đúng về thực lực của con, không gây áp lực thi cử cho con” - thầy Tùng cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết