A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng, hoàn thiện Luật Công đoàn

Chiều 8-2, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội nghị về tình hình chuẩn bị dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và về công tác phối hợp giữa 2 cơ quan.

Báo cáo tiến độ thực hiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) tại buổi làm việc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Tổng LĐLĐ đã ban hành các kế hoạch về triển khai các hoạt động sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc; thành lập 3 đoàn khảo sát, đánh giá tình hình 10 năm thực hiện Luật Công đoàn tại các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương. Đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Xây dựng, hoàn thiện Luật Công đoàn - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu tại hội nghị

Góp ý vào dự án Luật Công đoàn, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho rằng để bảo đảm cơ sở vững chắc khi bảo vệ dự thảo luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên lấy ý kiến rộng rãi người sử dụng lao động về vấn đề này, làm rõ cơ chế để bảo vệ đối với nhóm lao động phi chính thức. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nên xem xét sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn, trên cơ sở xem xét với các luật hiện hành, chính sách đổi mới, để bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn trong tình hình mới được thuận lợi nhất, với mục tiêu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết Ủy ban Xã hội sẽ đồng hành với Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện Luật Công đoàn, để có thể gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; đồng thời gửi đến Ủy ban Xã hội, các ủy ban của Quốc hội để thẩm tra trước ngày 1-3-2023.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Công đoàn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thể chế hóa các Nghị quyết của trung ương về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; đáp ứng mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam lớn mạnh, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 02 NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, việc xây dựng dự án Luật Công đoàn được tiến hành trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, đổi mới, do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt quyết tâm, chuẩn bị nguồn lực thực hiện. Cùng với việc thúc đẩy xin ý kiến các bộ, ngành liên quan; khảo sát, đánh giá tổng kết Luật Công đoàn; lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan, trong quý I/2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức 3 đoàn cán bộ đi học tập, nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn tại một số nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...