Vì sao hơn 1,2 triệu người rút BHXH một lần rồi đăng ký tham gia lại?
Người lao động rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc chịu áp lực, nhảy việc nhiều.
Chị cho biết sau khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) một năm, chị quyết định rút BHXH một lần. Bởi sau khi tính toán nếu rút một lần, với mỗi năm làm việc được trả hai tháng lương, số tiền nhận được gần 100 triệu đồng.
"Nếu sau này không tìm được việc mới, tôi về quê buôn bán. Còn nếu có việc làm mới, tôi có thể tham gia đóng BHXH lại và vẫn kịp 15 năm để hưởng lương hưu" - chị Châu nói.
Theo số liệu thống kê mới đây của BHXH Việt Nam, từ ngày 1-1-2016 đến 31-8-2024, cả nước có trên 1,285 triệu người hưởng BHXH một lần nhưng sau đó quay lại tham gia BHXH. Đối với những trường hợp trên, người lao động không được bảo lưu số năm tham gia trước đó mà tính lại từ đầu, do họ đã rút.
Ông Đào Duy Hiện, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho rằng người lao động rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc chịu áp lực, nhảy việc nhiều…
Nhóm tuổi rút BHXH một lần chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40, chiếm khoảng 78%.
"Nguyên nhân là do lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, chưa có tích lũy, nên khi có nhu cầu về tài chính họ sẽ chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn" - ông Hiện lý giải.
Theo Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2025: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút BHXH một lần nữa.
Luật BHXH sửa đổi chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: Người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.