Vì sao người lao động hưởng hưu không được nhận bảo hiểm thất nghiệp?
Để có kinh phí chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tối đa cho một người hưởng thì phải cần gần 40 người lao động đóng vào quỹ BHTN
Thời điểm đó, ông Phước đã đóng BHXH được hơn 36 năm và BHTN là 15 năm 4 tháng. Khi nghỉ việc, ông Phước được công ty chi trả trợ cấp thôi việc, cùng với đó ông đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Ông Phước dự định sẽ hưởng hết số tháng TCTN tối đa (12 tháng) rồi mới làm thủ tục hưởng lương hưu.
Theo ông Phước, việc lựa chọn thôi việc trước thời điểm đủ điều kiện hưởng hưu để hưởng TCTN cũng không hẳn tối ưu. Bởi khoản TCTN ông được nhận chỉ bằng 60% mức lương cơ bản.
Trong khi đó, nếu tiếp tục đi làm cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, ngoài 100% lương cơ bản, ông còn được nhận thêm các khoản phụ cấp, trợ cấp khác, thu nhập hằng tháng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, ông vẫn quyết định nghỉ việc vì nếu chờ đến khi hưởng hưu ông sẽ thiệt thòi vì mất cả 2 khoản BHTN lẫn trợ cấp thôi việc.
Không riêng ông Phước, nhiều người lao động khác cũng đặt vấn đề lương hưu và TCTN được chi trả bởi 2 quỹ độc lập, đều có sự đóng góp của người lao động, vì sao khi hưởng hưu thì họ không được giải quyết hưởng BHTN? Việc chỉ được hưởng một trong hai chế độ khiến người lao động hiện nay đang phải lựa chọn, trong đó không ít người đưa ra quyết định như ông Phước vì cảm thấy thiệt thòi cho thời gian đóng dài nhưng không có hưởng.
Từ thực tế trên, vừa qua cử tri tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người đóng BHTN khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa được hưởng TCTN thì được thanh toán số tiền họ đã đóng vào quỹ BHTN (1%) để đảm bảo nguyên tắc của bảo hiểm là có đóng có hưởng.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn (như BHYT), tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm, nhiều người đóng nhưng chỉ có một số ít người mất việc làm mới được hưởng, nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm.
Hiện nay, mức đóng BHTN bình quân tháng là 6.000.000 đồng, một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6.000.000 x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng với 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500% (chưa tính đến hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm).
Như vậy, để có kinh phí chi các chế độ BHTN cho một người hưởng tối đa các chế độ thì phải gần 40 người lao động đóng mới đủ. Theo thực tế hiện nay, cứ 12 - 13 người đóng thì có 1 người hưởng.
Nguyên tắc đóng - hưởng trong BHTN là nếu xảy ra rủi ro và đáp ứng đủ điều kiện, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ đền bù về thiệt hại theo từng chế độ cụ thể chứ không phải đóng tiền vào quỹ, nếu không gặp rủi ro sẽ được hưởng lại số tiền đã đóng.