A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách, hỗ trợ cho người lao động khó khăn

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương hỗ trợ, giám sát việc thực hiện chính sách lao động nhằm giảm thiểu tranh chấp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, tích cực vận động các doanh nghiệp thường xuyên chăm lo, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, có đủ các điều kiện cơ bản đón Tết Giáp Thìn vui tươi.
 

Vĩnh Phúc hiện có 8.236 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng gần 261.600 lao động, trong đó có 162.260 lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp. Năm 2023, các doanh nghiệp tuyển mới trên 36.000 lao động. Tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán 2024 là 6,4 triệu đồng/người. Nhiều công ty còn có chính sách, chế độ phúc lợi khác như tặng giỏ quà Tết, hỗ trợ công nhân ở xa một phần kinh phí để về quê… giúp người lao động yên tâm mua sắm, đoàn viên bên gia đình khi Tết đến, Xuân về.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn nỗ lực cố gắng trong sản xuất - kinh doanh để vượt qua khó khăn do tác động của COVID-19. Để thu hút, giữ chân người lao động hiệu quả, không ít doanh nghiệp duy trì mức lương ổn định và các chế độ phúc lợi. Những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Hàng chục doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thông báo tuyển dụng lao động ở các ngành nghề, vị trí công việc khác nhau.

Nhằm giúp doanh nghiệp tuyển dụng lao động hiệu quả, tỉnh đã yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới cơ sở, nhất là vùng nông thôn, miền núi để người lao động nắm bắt được thông tin tuyển dụng; đa dạng hóa thông tin tuyển dụng; tăng cường giới thiệu thông tin quả quảng cáo, pano thông báo tuyển dụng; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên, ký cam kết cung ứng nhân lực cho một số doanh nghiệp... Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các trường dạy nghề có uy tín phải thường xuyên chủ động phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp để tạo cơ hội cho học sinh - sinh viên ra trường có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.

Tuy vậy, địa bàn tỉnh vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc. Việc duy trì giải quyết việc làm cho công nhân ổn định và lâu dài đang là bài toán khó do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, thị trường tiền tệ, tài chính tiếp tục có nhiều rủi ro. Nhiều loại hàng hóa đang ở ngưỡng bão hòa và vì thế sức mua người tiêu dùng giảm... Tình trạng công nhân phải nghỉ việc luân phiên, người lao động bị cắt giảm giờ làm việc hoặc cắt giảm ngày làm việc dẫn tới thu nhập không đảm bảo xuất hiện ở một số đơn vị.

Để chăm lo Tết cho người lao động, nhất là người lao động đang gặp khó khăn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật lao động, thỏa thuận giữa các bên về tiền lương, thưởng Tết cho người lao động. Các đơn vị tăng cường nắm bắt tình hình lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp ứng phó, tránh tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết.

Vĩnh Phúc yêu cầu các tổ chức Công đoàn tăng cường nắm bắt tình hình, tham mưu, đề xuất phương án xử lý các vấn đề liên quan đến tiền lương, việc dịch chuyển hợp đồng lao động từ dài hạn sang ngắn hạn của các doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc trả lương, thưởng Tết tại các doanh nghiệp; hạn chế tối đa tình trạng nợ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, chủ bỏ trốn; biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác chăm lo Tết. Các đơn vị cần giải quyết nhu cầu việc làm, tình hình lao động quay trở lại làm việc; tình trạng giá cả sinh hoạt, các hoạt động lôi kéo người lao động đình công, lãn công; kịp thời phát hiện, phòng ngừa các tranh chấp lao động có thể phát sinh trong dịp Tết.

Các ngành cần chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là tại các doanh nghiệp bị giảm sâu thu nhập, mất việc, thiếu việc làm; xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp đưa đón công nhân về ăn Tết và quay trở lại làm việc sau Tết được thuận lợi, an toàn. Các đơn vị, vận động chủ doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu xe, tặng phiếu mua hàng cho công nhân về quê ăn Tết.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, ngân sách tỉnh dự kiến dành hơn 38 tỷ đồng để chăm lo cho người có công, người được tặng Huy hiệu 50, 55, 60 năm tuổi Đảng trở lên; hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Để kịp thời nắm bắt tâm tư của người lao động trong các doanh nghiệp, đảm bảo không phát sinh các vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự do nảy sinh các tranh chấp liên quan đến chế độ phúc lợi dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng, địa phương và các cấp Công đoàn chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật lao động, thỏa thuận giữa các bên về tiền lương, tiền thưởng; công khai kế hoạch trả lương, thưởng Tết.

Các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật lao động, đặc biệt là quy định về tiền lương, thưởng để người lao động hiểu đúng, đủ quy định của pháp luật, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ trong doanh nghiệp. Vĩnh Phúc yêu cầu tổng hợp đề xuất, kiến nghị của người lao động, thông báo và phối hợp với người sử dụng lao động xem xét, giải quyết kịp thời; báo cáo tình hình quan hệ lao động, các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động của doanh nghiệp với Công đoàn cấp trên cơ sở để được hướng dẫn, hỗ trợ...

Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Công đoàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ xây dựng 37 Mái ấm Công đoàn cho công nhân khó khăn với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Mỗi năm, nhân dịp Tết Nguyên đán, tỉnh phát động các phong trào hỗ trợ như "Tương thân, tương ái", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại ở phía sau", "Chợ Tết nhân ái 0 đồng"... Hưởng ứng các phong trào, nhiều tập thể, cá nhân chung tay ủng hộ nguồn lực để giúp người có hoàn cảnh khó khăn có cái Tết đủ đầy.

Dịp Tết Nguyên đán 2023, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp chăm lo, tặng quà Tết cho 6.687 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao 13.228 vé tàu xe cho đoàn viên, người lao động ngoại tỉnh về quê đón Tết; 1.000 suất quà đến tay đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình "Tết sum vầy - Xuân gắn kết".

Nguyễn Trọng Lịch


Tác giả: Nguyễn Trọng Lịch
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết