Thấp thỏm lương hưu
Tạo sự khác biệt và tăng tính hấp dẫn giữa chế độ hưu trí và rút BHXH một lần, sẽ hạn chế được rút BHXH một lần.
Theo Ban Thực hiện chính sách BHXH, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm.
Tại hội thảo "Lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi)" do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức đã diễn ra tại TP HCM, ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho hay trước khi có quy định về lương tối thiểu vùng, lương đóng BHXH của người lao động rất thấp nên khi tính lương hưu là bình quân mức đóng cả quá trình tham gia BHXH mức lương hưu mà người lao động nhận được không đủ sống. "Tôi đề nghị nên thay đổi cách tính lương hưu với người lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước theo hướng người tham gia BHXH trước năm 2014 sẽ tính lương hưu là bình quân của 20 năm tham gia cuối cùng. Với những người tham gia BHXH từ năm 2015 sẽ tính trên cả quá trình đóng. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam là đóng 17 năm được hưởng 45% (hiện nay 20 năm đóng được hưởng 45%) nhằm đảm bảo sự công bằng so với cách tính của lao động nữ"- ông Cường đề xuất.
Bạn đọc Nguyễn Quang bày tỏ: "Qua bài viết có đa số các ý kiến rất hay và thiết thực với NLĐ. Ví dụ như tôi năm nay 53 tuổi có tới 34 năm đóng BHXH bắt buộc, giờ yếu không làm được và cũng không công ty nào mướn, muốn nghỉ hưu thì bị trừ mỗi năm 2%, không nghỉ thì chờ 7-9 năm nữa, lấy gì sống? Nếu nhà nước cho rút BHXH 1 lần thì 34 năm tôi cũng rút". Bạn đọc Lê Văn Thi dẫn chứng: "Tôi năm nay 55 tuổi đã đủ thứ bệnh rồi đã đóng bh trên 20 năm bây giờ nghỉ việc chờ đến 62 tuổi không biết sống bằng gì. Mong nhà nước xem xét vấn đề hạ tuổi nghỉ hưu cho phù hợp". Bạn đọc Nguyễn Văn Hương nhận xét: "Năm 2017, nam đóng BHXH chỉ 30 năm, nữ đóng 25 năm là được lãnh 75% lương, nhưng từ năm 2022 trở về sau nam phải đóng 35 măm , nữ phải đóng 30 năm mới được hưởng 35% rõ ràng là gây bất lợi cho người lao động. Có chắc là thời gian tới chính sách BHXH không thay đổi?"
Bạn đọc Nguyễn Văn Giỏi bài đề xuất: "Theo tôi, cứ đóng đủ số năm theo quy định thì được hưởng lương hưu và không yêu cầu độ tuổi được hưởng lương hưu. Còn ai muốn đóng thêm thì hưởng cao hơn. Tương tự, bạn đọc Nguyễn Lập góp ý: "Thay vì cứ nam 62 , nữ 60 thì nhà nước cần có thêm nhiều độ tuổi nghỉ hưu theo từng nghề. Bạn đọc Đỗ Văn Dần viết: "Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem thời gian tham gia bảo hiểm để nhận đủ tỷ lệ 75% giữa lao động nam và nữ. Cụ thể: Tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi của nữ là 60 tuổi trong khi đó thời gian đóng để được hưởng tối đa 75% của lao động nam là 35 năm còn nữ là 32 năm thì chưa hợp lý với chênh lệch theo tuổi nghỉ hưu. Tôi đề xuất sửa thời gian đóng của nữ là 30 năm của nam là 32 năm thì được hưởng tỷ lệ lương hưu 75%.