A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm soát quyền lực, bịt lỗ hổng pháp luật

Công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Ngày 6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10. Phiên họp có nội dung thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.

Đẩy nhanh điều tra các vụ án

Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến phiên họp, trong kỳ báo cáo (từ ngày 1-10-2022 đến 31-7-2023), các cơ quan chức năng đã phát hiện 4.946 vụ phạm tội về quản lý kinh tế, 679 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ. Việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực diễn ra trên các lĩnh vực với phương châm xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.

Khoảng thời gian này, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý. Cụ thể, vụ án liên quan Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC; Đỗ Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC…

Chính phủ đánh giá tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe; khai thác tài nguyên, khoáng sản; vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước. Cùng với đó là vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Cũng theo Chính phủ, tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, chủ yếu là các sai phạm trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất đai.

Kiểm soát quyền lực, bịt lỗ hổng pháp luật - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị có giải pháp mang tính căn cơ để phòng ngừa tội phạm Ảnh: Phạm Thắng

Kết hợp nhiều biện pháp

Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh đến con số tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng 71,46% về số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ tăng 312,5%. Những con số trên cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", nên việc phát hiện và xử lý ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, từ đó mới xảy ra tiêu cực như đấu thầu, mua sắm công, quản lý tài sản công, lĩnh vực đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, y tế, giáo dục...

Đáng chú ý, sai phạm trong các vụ án hầu hết liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước khi họ lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Do đó, theo bà Hoa, vấn đề đặt ra là nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm khách quan, minh bạch.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu (ĐB) Quốc hội Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng số vụ nhận hối lộ bị phát hiện tăng 312% là "vấn đề rất nhức nhối". Nhắc đến vụ Công ty Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu, ĐB Vũ Trọng Kim nói "quà cảm ơn gì mà nhiều như thế, hàng triệu đô-la" và đặt vấn đề có phải trước đây là vùng cấm nên chưa đụng vào được, bây giờ mới bị phát hiện.

ĐB Vũ Trọng Kim cũng nhấn mạnh đến vai trò của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trong việc đưa các vụ việc tiêu cực. Bên cạnh đó, theo ĐB Vũ Trọng Kim, tình hình tội phạm gia tăng trong năm 2023 có nhiều nguyên nhân, trong đó tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khiến tình trạng thất nghiệp cũng tăng theo. Ông đề nghị các cơ quan, bộ, ngành siết chặt các biện pháp phòng chống tội phạm cũng như tăng cường những giải pháp về việc làm, giảm thiểu số người thất nghiệp hoặc gián đoạn công việc.

ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) băn khoăn rằng tội phạm tham nhũng, chức vụ và nhận hối lộ tiếp tục tăng trong khi nhiều biện pháp xử rất mạnh tay đã triển khai thì liệu có tình trạng tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn pháp luật hay không. ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan chức năng rà soát quy định pháp luật, xem có phải chế tài chưa đủ sức răn đe không, đồng thời xem xét sửa luật, quy định về hình phạt với các loại tội phạm này. 

Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐB Dương Khắc Mai cho rằng tình hình vi phạm pháp luật như xâm hại trẻ em, tội phạm có tổ chức, ma túy, tội phạm về công nghệ thông tin vẫn là nỗi lo lắng lớn vì gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Sửa bất cập để hạn chế trục lợi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản công, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm xe cơ giới và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng. Từ đó, kịp thời sửa bất cập về mặt chính sách nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng trục lợi. Đồng thời, đẩy nhanh hơn nữa lộ trình cải cách tiền lương, bảo đảm cán bộ, công chức được tăng dần mức sống, yên tâm công tác.

Trước tình trạng gia tăng của tội phạm và dự báo tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, theo bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan cần đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...