Tăng cường thanh tra, xử phạt doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài
BHXH tỉnh Khánh Hòa cho biết đến đầu tháng 11-2022, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 172 tỉ đồng.
Trong đó, hơn 435 đơn vị, DN đang nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 6 tháng, với số tiền hơn 98 tỉ đồng. Thời gian qua, BHXH tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp để thu BHXH, BHYT, BHTN của các DN như: hằng tháng đều gửi thông báo tình hình nợ đọng; lên kế hoạch làm việc với những đơn vị có số nợ lớn; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành… Để bảo vệ quyền lợi người lao động, BHXH tỉnh Khánh Hòa thường xuyên phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT nhằm đôn đốc thu, thu nợ theo đúng quy định pháp luật.
Đại diện một doanh nghiệp tại Khánh Hòa đóng BHXH cho người lao động
Theo số liệu cập nhật của Phòng Quản lý Thu, BHXH TP Đà Nẵng, có 8.002 đơn vị nợ các loại bảo hiểm của NLĐ với tổng số tiền trên 344,48 tỉ đồng. Trong đó có 2.287 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền gần 234,44 tỉ đồng. Trong năm đã xảy ra 1 vụ tranh chấp lao động tập thể ở Công ty TNHH Hanvi Vina, liên quan đến nợ BHXH, không chốt sổ cho NLĐ khi nghỉ việc.
Nguyên nhân các đơn vị nợ bảo hiểm tăng là do chưa phục hồi được sản xuất sau dịch COVID-19. Một số DN hàng sản xuất ra không xuất khẩu được nên tạm ngừng hoạt động hoặc không có đơn hàng dẫn đến thu hẹp việc làm, giảm tiền lương và các chế độ phúc lợi, thậm chí phải giải thể như Công ty SSLV ở KCN Liên Chiểu…