Sớm sửa Luật BHXH
Tại hội nghị tập huấn về đối thoại, tham vấn ý kiến chuyên gia, cán bộ Công đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng chính sách BHXH hiện hành chưa hướng đến bao phủ toàn dân.
Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ để thực sự đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Chính sách BHXH cho khu vực phi chính thức mới giới hạn ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như người lao động (NLĐ) làm việc theo chế độ linh hoạt. Quy định về điều kiện hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần còn bất cập. Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn.
Theo quy định của Luật BHXH, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. Từ thực tế này, nhiều cán bộ Công đoàn và chuyên gia đề xuất Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH năm 2014 cho phù hợp với thực tiễn tình hình mới hiện nay, đó là cần có sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác đồng bộ, chặt chẽ để phát huy chính sách BHXH đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Dự kiến, dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV (tháng 10-2022). Sau đó, dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2023. Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Việc sửa đổi chính sách BHXH theo tinh thần này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện như bổ sung chế độ thai sản. Cùng với đó, việc sửa đổi theo hướng điều chỉnh tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn, đóng BHXH trong thời gian ngắn được hưởng lương hưu, từ đó NLĐ sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho NLĐ.