A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sao chỉ là 8%?

Tăng lương hưu sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước và sau cải cách tiền lương đồng thời giúp người hưu trí cải thiện cuộc sốn

Góp ý gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của năm 2024, BHXH Việt Nam đã đề xuất tăng thêm 8% từ ngày 1-7-2024. Xoay quanh mức đề xuất này vẫn còn nhiều ý kiến.
Không để người hưu trí khó khăn

Trên thực tế, rất nhiều người hưu trí đang nhận mức lương hưu thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 1 (hiện là 4,68 triệu đồng/người/tháng). Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, họ vẫn phải tìm việc làm để bảo đảm cuộc sống.

Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm quận 10, TP HCM. Ông Sơn từng có hơn 20 năm làm việc tại một đơn vị sự nghiệp và nghỉ hưu từ năm 2018 khi đã đóng đủ 20 năm BHXH, đủ điều kiện hưởng lương hưu. Những tưởng cuộc sống về già sẽ dễ thở hơn khi có lương hưu nhưng lúc nhận tháng lương hưu đầu tiên chưa tới 2 triệu đồng, ông rất hoang mang. 

Khi ấy, ông còn mẹ già gần 90 tuổi phải phụng dưỡng, vợ thì sức khỏe yếu nên khoản lương hưu ít ỏi đó vốn không đủ chi tiêu. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, 5 năm qua, ông Sơn vẫn phải chạy xe ôm để kiếm sống. "Sau nhiều lần điều chỉnh, lương hưu của tôi đã lên 3 triệu đồng/tháng nhưng vẫn còn cách khá xa so với mức sống tối thiểu. 

Vì vậy, hơn ai hết, tôi mong muốn lương hưu sẽ được cải thiện, ngày càng tiệm cận mức lương tối thiểu vùng để người lao động (NLĐ) giảm bớt nỗi lo khi về già" - ông Sơn nói. Về mức đề xuất tăng lương hưu 8% từ ngày 1-7, ông Sơn cho rằng nếu được thông qua thì lương hưu của ông sẽ tăng thêm khoảng 240.000 đồng/tháng, mức tăng này chỉ đủ bù trượt giá.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hiếu - Trưởng Phòng Pháp chế một công ty liên doanh tại quận Tân Bình, TP HCM - nhìn nhận cơ sở để BHXH Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu lên 8% từ ngày 1-7 là dựa vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,35% và GDP đạt 5,05%; mức tăng này sẽ giảm bớt chênh lệch trong thụ hưởng giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1-7-2024 trở đi. 

"Theo quy định tại điều 57 Luật BHXH, Chính phủ có thẩm quyền quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH. Như vậy, một trong những căn cứ để BHXH Việt Nam đề xuất mức tăng lương hưu là giảm bớt chênh lệch giữa những người thụ hưởng là chưa thuyết phục" - ông Hiếu nói.

Người hưởng lương hưu nhận lương tại UBND quận 11, TP HCM Ảnh: CAO HƯỜNG

Người hưởng lương hưu nhận lương tại UBND quận 11, TP HCM Ảnh: CAO HƯỜNG

Cũng theo ông Hiếu, mặt bằng chung lương hưu hiện nay khá thấp nên NLĐ kỳ vọng sẽ có sự cải thiện khi nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Từ năm 2019 đến nay, mức tăng lương hưu thấp nhất là 7,19%/năm. Trong khi đó, theo phương án cải cách tiền lương, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp); từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7% nhưng lương hưu chỉ được tăng 8% là chưa thỏa đáng.

Giảm chênh lệch trong thụ hưởng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về đề xuất tăng 8%, đại diện BHXH Việt Nam cho biết đây không phải tăng lương theo lộ trình mà năm 2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Việc kiến nghị tăng lương hưu 8% từ ngày 1-7 dựa trên tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như chỉ số giá tiêu dùng, GDP năm 2023 và để giảm bớt chênh lệch trong thụ hưởng giữa người nghỉ hưu trước và sau cải cách tiền lương.

"Việc điều chỉnh lương hưu do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, cơ quan BHXH cũng là một trong số các đơn vị tham gia đề xuất và đóng góp ý kiến cùng Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác. Luật BHXH cũng quy định lương hưu được điều chỉnh tăng trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế - xã hội. Từ những kết quả về tăng trưởng kinh tế, BHXH Việt Nam đã có đề xuất như trên. Khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với NLĐ cả nước nâng lên và tinh thần là không để người hưu trí thiệt thòi hơn khi cải cách" - đại diện BHXH chia sẻ.

Theo BHXH Việt Nam, khi đề xuất tăng thêm 8% cho người hưởng hưu trí cả 2 khu vực công và tư từ ngày 1-7, kinh phí dự kiến hơn 8.800 tỉ đồng. Nếu được thông qua, ngân sách nhà nước dự kiến bố trí thêm 1.900 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm, thêm 50 tỉ đồng nếu điều chỉnh mức hưởng đạt 3,5 triệu đồng/ tháng với người nghỉ hưu trước năm 1995. 

Nguồn quỹ BHXH tăng khoảng 6.900 tỉ đồng, chưa bao gồm tiền trích đóng BHXH. BHXH Việt Nam cho biết hiện có khoảng 3,3 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng từ quỹ BHXH và 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Mức lương hưu bình quân hằng tháng của người nghỉ hưu đạt 5,4 triệu đồng.

Thống kê đến hết năm 2023, bình quân tiền lương tính đóng BHXH của lao động khu vực nhà nước hiện đạt 6,9 triệu đồng với mức lương hưu khoảng 6,1 triệu đồng. Tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã gần 6,4 triệu đồng. Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng như hiện nay. 

Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7%/ năm cho đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).

Về vấn đề điều chỉnh lương hưu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương hưu bởi khi cải cách tiền lương, mặt bằng chung tiền lương với NLĐ cả nước nâng lên mà lương hưu không được điều chỉnh tốt thì người hưu trí sẽ rất thiệt thòi. 

Mong được cải thiện cuộc sống

Tháng 6-2023, ông Trần Trung Thông (ngụ quận 12, TP HCM) nhận quyết định về việc hưởng chế độ hưu trí hằng tháng, mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Sau đó 1 tháng, nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu, ông Thông được tăng thêm 20,8%, tức 728.000 đồng. Với mức lương hưu hiện tại hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tuy không cao nhưng ít ra mỗi ngày ông có 140.000 đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Ở góc độ người thụ hưởng, ông Thông mong muốn mức tăng lương hưu được điều chỉnh càng cao càng tốt. "Những nhà làm chính sách cũng nên tính toán mức tăng phù hợp, sao cho việc tăng lương hưu phải thực chất nhằm cải thiện đời sống cho người về hưu" - ông bày tỏ.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-2


Tác giả: NHÓM PHÓNG VIÊN
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...